Nâng tầm thương hiệu sản phẩm lúa gạo

Thanh Phong 09:53, 27/05/2023

Những năm gần đây, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh đã chuyển đổi mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn, chất lượng cao. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh.

 
Khách hàng chọn mua sản phẩm gạo J02 do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền, ở xã Tân Đức (Phú Bình) sản xuất, được bán tại gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện. Ảnh: T.L
Khách hàng chọn mua sản phẩm gạo J02 do HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền, ở xã Tân Đức (Phú Bình) sản xuất. Ảnh: T.L

Sản xuất sạch, an toàn

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm chủ lực của đơn vị là gạo bao thai Định Hóa và nếp vải Định Biên theo hướng sạch, an toàn, HTX nông nghiệp Định Biên (Định Hóa) đã vận động các thành viên tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP. Hơn một năm sau đó, 2 sản phẩm này đã được công nhận đạt 3 sao OCOP trong năm 2022.

Ông Hà Sỹ Tung, Giám đốc HTX nông nghiệp Định Biên, chia sẻ: Nhận thấy thị hiếu của khách hàng ưa chuộng sản phẩm ngon nhưng phải sạch, an toàn, HTX đã mạnh dạn triển khai trồng 60ha giống lúa bao thai và 5ha giống nếp vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng không chỉ ưa chuộng mua để sử dụng mà còn làm quà biếu, tặng trong các dịp lễ, Tết.

Không riêng HTX nông nghiệp Định Biên, nhiều tổ hợp tác, HTX khác trong tỉnh cũng đã mạnh dạn tham gia sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP và có sản phẩm được công nhận OCOP.

Có thể kể đến như sản phẩm gạo ADI28 của Tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP xóm Dương, phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên); gạo nếp vải của HTX nông sản nếp vải Ôn Lương (Phú Lương); gạo nếp Thầu Dầu của HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ và gạo JO2 của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền (Phú Bình)...

Thông qua việc áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, các HTX đều nhận thấy chất lượng và giá trị kinh tế của lúa gạo được nâng cao hơn, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn trước đây. Như ở vùng sản xuất gạo nổi tiếng Phương Bá (Võ Nhai), người dân nơi đây cho biết: Giá gạo theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt chất lượng OCOP bán ra thị trường với giá tăng từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg so với sản phẩm sản xuất theo phương thức cũ. Mức độ tiêu thụ cũng tăng lên, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn như trước dây.

Đẩy mạnh chế biến sâu, liên kết tiêu thụ

Chú trọng khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo, tạo ra sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho thành viên, nông dân - đây là mục tiêu hàng đầu được các HTX đặt ra.

Sản phẩm cốm nếp Vải của HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương (Phú Lương) được chế biến, bảo quản, đóng gói cẩn thận.
Sản phẩm cốm nếp vải của HTX nông sản nếp vải Ôn Lương (Phú Lương) được chế biến, bảo quản, đóng gói cẩn thận, đạt tiêu chuẩn an toàn.

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo của các HTX được gắn sao, công nhận là sản phẩm chủ lực của địa phương.

Có thể điểm tên các sản phẩm như: Mỳ gạo bao thai Định Hóa của HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng (Định Hóa); bánh khẩu sli Phú Thượng của HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng; mỳ gạo Tiền Phong của HTX mỳ gạo Tiền Phong và bún khô Tiến Diện, bún ngũ sắc Tiến Diện của HTX mỳ bún khô Tiến Diện (Võ Nhai); tương Úc Kỳ và tương nếp Hồng Kỳ của HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (Phú Bình)…

Để tạo ra những sản phẩm này, các HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để mua sắm các loại máy móc chế biến. Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mỳ, bún khô Tiến Diện (Võ Nhai), cho hay: Để sản xuất mỳ, phở khô, HTX đã thu mua gạo bao thai do bà con nông dân xã Bình Long, Dân Tiến gieo cấy theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, chúng tôi đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng gần 800m2, mua sắm các loại máy móc công suất lớn như máy xay, máy trộn, máy ép sợi, máy đóng gói, đảm bảo công suất sản xuất tối đa 20 tấn/tháng. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất, tiêu thụ 2-3 tấn bún khô, phở khô, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh khâu chế biến, việc đẩy mạnh liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp tư nhân cũng là cách làm được nhiều đơn vị áp dụng nhằm tăng hiệu quả trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như HTX nông sản nếp vải Ôn Lương (Phú Lương) đã ký hợp đồng, cung cấp 2 tấn gạo/năm cho HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng (Võ Nhai); cung ứng 1,5 tấn gạo/năm cho HTX nông sản sạch Huyền Hân (TP. Thái Nguyên).

Hay HTX sản xuất thương mại dịch vụ Bản Việt (Phú Bình) đã tiêu thụ hơn 1 tấn gạo nếp Thầu Dầu của HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ chỉ trong 2 tháng qua… Bên cạnh đó, các HTX đã liên kết với hàng chục hãng phân phối nổi tiếng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, để đưa sản phẩm lúa gạo của Thái Nguyên đến nhiều tỉnh và ra nước ngoài.

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao được tỉnh xác định là một trong những ngành hàng chủ lực trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Với trên 200 HTX nông nghiệp đăng ký ngành hàng, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm và thương hiệu mạnh, góp phần giúp nông dân xây dựng kế hoạch sản xuất hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.