Mặc dù có diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lớn, với khoảng trên 67 nghìn ha, trong đó có hơn 31 nghìn ha rừng sản xuất, nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai những năm gần đây chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng giá trị ngành Nông - Lâm nghiệp. Trước thực trạng này, huyện đã triển khai kế hoạch nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, với định hướng phát triển mạnh rừng gỗ lớn và trồng cây quế cho giá trị kinh tế cao.
Lực lượng kiểm lâm Võ Nhai phối hợp khảo sát diện tích rừng được người dân đề nghị chuyển đổi sang phát triển rừng gỗ lớn. |
Từ cuối những năm 2000, chủ trương giao rừng cho người dân quản lý của huyện Võ Nhai đã giúp bà con nông dân xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, được tiếp quản trên 1 nghìn ha rừng sản xuất. Bà con cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón để đầu tư trồng rừng sản xuất, phủ kín diện tích.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ xóm Ba Nhất, cho biết: Sau hơn 10 năm làm kinh tế rừng, hàng chục hộ dân Ba Nhất đã có nguồn thu khá, vươn lên thoát nghèo, nhiều gia đình khác đã phát triển thành hộ có thu nhập khá, thu hàng trăm triệu đồng từ rừng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo bà con địa phương, với cây trồng là cây keo lai chu kỳ khai thác 5-6 năm, giá trị thực tế trên mỗi ha trồng chỉ thu được khoảng 12 triệu đồng/năm. Ông Triệu Sinh Phượng, một người trồng rừng xóm Ba Nhất, chia sẻ: Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có khoảng 3ha rừng keo được khai thác, với thu nhập trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, với diện tích lớn như vậy, thu nhập từ rừng là tương đối thấp so với một số cây trồng phổ biến ở địa phương như chè, cây ăn quả.
Tương tự Ba Nhất, xóm Nác, xã Liên Minh hiện có tới 1,5 nghìn ha rừng sản xuất và phần lớn được bà con đầu tư trồng cây keo lai, chu kỳ khai thác 5-6 năm. Trung bình mỗi năm, người dân xóm Nác được khai thác trên 250ha rừng, với giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính bình quân, mỗi ha keo lai cho khai thác chỉ đem về lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nông Văn Lưu, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Nác, cho hay: Phần đa các hộ trồng rừng trong xóm chỉ sở hữu từ khoảng 5-10ha. Do đó, dù thu nhập từ keo lai đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, nhưng để có thu nhập khá từ rừng thì cần chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn.
Nông dân xã Vũ Chấn kiểm tra diện tích cây quế mới trồng năm 2023. |
Võ Nhai là huyện vùng cao có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, với trên 84,5 nghìn ha. Trong đó, đất lâm nghiệp có trên 67 nghìn ha. 5 năm qua, trung bình mỗi năm huyện trồng mới gần 800ha rừng tập trung các loại theo thiết kế.
Trong đó, riêng năm 2021, toàn huyện trồng được gần 1,3 nghìn ha rừng tập trung, năm 2022 là gần 600ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện hiện đạt trên 70%, cao hơn trên 20% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Qua đó, trong 5 năm gần đây, sản lượng gỗ khai thác hằng năm đều tăng mạnh và đạt bình quân khoảng gần 30 nghìn m3/năm. Riêng năm 2021, toàn huyện Võ Nhai đạt sản lượng trên 64 nghìn m3, năm 2022 đạt sản lượng trên 35 nghìn m3.
Mặc dù vậy, trên thực tế, giá trị thu được từ kinh tế rừng trên địa bàn huyện vẫn đạt thấp so với tiềm năng. Với cây trồng cơ bản là cây keo chu kỳ khai thác từ 5-6 năm, người nông dân chỉ thu về lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/ha. Chính vì thế, dù những năm gần đây, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên hàng năm địa bàn huyện Võ Nhai đều đạt trên 900 tỷ đồng, tuy nhiên, giá trị sản xuất lâm nghiệp chỉ chiếm chưa tới 10%.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Võ Nhai: Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, Kiểm lâm Võ Nhai đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng Dự án trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn, với mục tiêu đến năm 2030 phát triển được khoảng 3 nghìn ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây keo với tuổi khai thác 10-12 năm. Hiện, bước đầu dự án đã hỗ trợ người dân trồng hơn 50ha rừng gỗ lớn.
Từ năm 2021, huyện Võ Nhai cũng triển khai Dự án phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng sang cây quế. Riêng năm 2022, huyện hỗ trợ nông dân 760 triệu đồng triển khai trồng mới 145ha, nâng diện tích trồng quế toàn huyện lên trên 400ha. |
Theo ông Tuấn, xét về hiệu quả kinh tế, cây keo đạt tiêu chuẩn gỗ lớn sau 10-12 năm trồng có thể đạt lợi nhuận trung bình khoảng 25 triệu đồng/ha/năm, cao hơn trên 2 lần so với giá trị rừng gỗ nhỏ. Còn đối với cây quế, có thể cho giá trị kinh tế cao hơn 3-4 lần so với cây keo gỗ nhỏ.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn và cây quế, huyện Võ Nhai sẽ dành hàng tỷ đồng kinh phí cho nông dân chuyển đổi. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch mạng lưới dịch vụ, chế biến sau thu hoạch, từng bước nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin