Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích chè tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là 2.500ha và đến năm 2030 đạt 3.300ha. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, huyện khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè…
Người dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã chuyển đổi sang trồng, chăm sóc và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Gia đình anh Hoàng Văn Nhu, ở xóm Tân Thành, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có hơn 8 sào chè trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Trước đây, nhà anh chủ yếu trồng chè trung du. Chè trồng trên đồi cao và không được tưới nước thường xuyên nên bị sâu bệnh nhiều. Sau khi chuyển sang làm chè VietGAP, chất lượng và giá trị sản phẩm chè đã được nâng cao.
Anh Nhu cho hay: Khi sản xuất chè theo hướng VietGAP, giá sản phẩm được đảm bảo và liên tục cải thiện, hiện đạt 120-150 nghìn đồng/kg. Giá bán này cao hơn nhiều so với mức chỉ 70-80 nghìn đồng/kg như trước đây.
Còn tại thị trấn Sông Cầu - một trong những vùng chè trọng điểm của huyện Đồng Hỷ, những hộ trồng chè ở tổ dân phố 2 cũng đang dần chuyển đổi giống chè cũ có năng suất thấp sang trồng chè NDT1 theo quy trình VietGAP, hướng dần tới tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Tổ trưởng tổ dân phố 2, chia sẻ: Người dân Sông Cầu giờ đã thay đổi tư duy về trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Bởi, nếu cứ trồng chè thâm canh rồi bán cho thương lái như trước, thì sau khi trừ chi phí, bà con chỉ đủ tiền công nhật như lao động bình thường. Giờ trồng chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, riêng việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ hiện nay cung không đủ cầu.
Tương tự, việc đáp ứng các tiêu chí sản xuất theo quy trình VietGAP đã giúp sản phẩm chè của Hợp tác xã (HTX) chè Tuyết Hương, xã Hóa Trung, vượt qua những đợt kiểm tra gắt gao để đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT HTX chè Tuyết Hương, cho biết: Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện theo những quy trình bắt buộc, tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh. Người trồng chè phải nắm vững kỹ thuật để nhận diện các loại sâu, bệnh hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Ngoài những công đoạn nói trên, HTX chè Tuyết Hương còn hướng dẫn các thành viên ghi chép cẩn thận nhật ký, quy trình chăm sóc chè vào một cuốn sổ. Sau một năm, cây chè được chăm sóc đúng quy trình VietGAP mới đảm bảo tiêu chuẩn. Bà Tuyết cho biết thêm: Làm chè sạch vất vả hơn so với cách làm truyền thống, nhưng lại giúp người dân nâng cao thu nhập, sức khỏe của người trồng chè và người tiêu dùng cũng được đảm bảo.
Để nâng cao giá trị, phát triển bền vững cây chè, huyện Đồng Hỷ đã ban hành cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ người dân. Cụ thể: hỗ trợ 50% giá giống chè; 70% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 50% giá mua máy móc, thiết bị chế biến (không quá 500 triệu đồng/cơ sở); 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, vi sinh trong 3 năm (không quá 16 triệu đồng/ha/năm, với quy mô tối thiểu 5ha); hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ lần đầu…
Cùng với đó, huyện cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó ưu tiên việc chuyển đổi số nói chung và phân phối nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử nói riêng. Qua đó, không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản hiệu quả trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, mà còn giúp bà con dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu.
Tính đến thời điểm này, diện tích chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đạt 3.891ha (tăng 61ha so với năm 2019), đạt 99,44% kế hoạch đến năm 2025, đạt 94,9% so kế hoạch đến năm 2030. Riêng diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đến nay là 2.000ha (tăng 800 ha so với năm 2019), đạt 80% kế hoạch năm 2025, đạt 60,61% so kế hoạch năm 2030. Trong đó diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ là 602,15ha - chiếm 15,8% tổng diện tích toàn huyện, tăng 303 ha so với năm 2019.
Theo ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm theo liên kết chuỗi cung ứng an toàn của từng địa phương; đặc biệt là các sản phẩm chè VietGAP, hữu cơ vốn là thế mạnh của địa phương. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về đất đai và sản phẩm chủ lực, chúng tôi tiếp tục tăng cường xúc tiến, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển sản xuất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin