Với kế hoạch bảo tồn giống đậu tương đặc sản, kết hợp mở rộng vùng sản xuất đậu tương giống mới gắn với phát triển sản phẩm đậu phụ, huyện vùng cao Võ Nhai kỳ vọng sẽ tăng năng suất cây trồng này. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất cây đậu tương an toàn, theo hướng hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng đậu tương đặc sản giống Cúc Bóng. |
Từ những năm 1980, cây đậu tương giống Cúc Bóng đã được trồng rải rác ở nhiều nơi trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai. Trong đó, riêng tại xã Bình Long đã bước đầu hình thành vùng chuyên canh, với diện tích lúc cao điểm lên tới 80ha. Trong một khoảng thời gian khá dài, cây đậu tương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và có giá trị trong luân canh, cải tạo đất canh tác.
Cùng với đó, nghề làm đậu phụ ở xã Bình Long cũng phát triển theo. Đậu phụ Bình Long thơm, ngon nổi tiếng trên toàn huyện Võ Nhai và cả những địa phương lân cận. Năm 2011, Làng nghề đậu phụ An Long, xã Bình Long, được công nhận đã khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm đậu phụ Võ Nhai.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, cây đậu tương mất dần vị thế. Năm 2019, diện tích cây đậu tương trên toàn huyện đạt 65ha, năng suất đạt trên 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt 99 tấn. Năm 2020, diện tích cây đậu tương tại Võ Nhai giảm còn 20ha, năng suất đạt trên 1,4 tấn/ha, sản lượng đạt 28 tấn.
Ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, cho biết: Để bảo tồn và phát triển được cây đậu tương có nguồn gốc bản địa, đồng thời mở rộng vùng trồng, chúng tôi đã tham mưu và được UBND huyện cho phép triển khai Dự án bảo tồn các giống đậu tương chất lượng cao kết hợp với mở rộng vùng sản xuất đậu tương giống mới gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đậu phụ Võ Nhai. Dự án triển khai trên tổng diện tích hơn 80ha, trong 3 năm, từ 2022 đến 2024. Dự án có tổng kinh phí trên 686 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 500 triệu đồng, phần còn lại do người dân đối ứng.
Với giá bán đậu tương trên thị trường khoảng 28-30 triệu đồng/tấn, người trồng có thể thu lãi 40-50 triệu đồng/ha/vụ. |
Tham gia Dự án, bà con nông dân được hỗ trợ 70% giá giống, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đồng thời được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, hội thảo, in bao bì nhãn mác sản phẩm, quảng bá sản phẩm.
Sau 2 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho trên 100 hộ nông dân tại các xã: Bình Long, Dân Tiến, Phương Giao và Tràng Xá để triển khai trồng 38ha cây đậu tương đặc sản Cúc Bóng và cây đậu tương giống mới DT84, DT34.
Là một trong những hộ tiên phong tham gia Dự án, gia đình bà Dương Thị Láng, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, đã chuyển đổi 15 sào trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng đậu tương. Sau 2 vụ cho thấy cây đậu tương giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng đất địa phương.
Bà Láng chia sẻ: So với cây ngô, trồng đậu tương hiệu quả cao hơn. Năm tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng đậu tương.
Còn ông Hoàng Quốc Phong, xóm Liên Bình, xã Bình Long, cho hay: Từ hàng chục năm nay, tôi duy trì trồng trên 1 mẫu đậu tương thương phẩm giống Cúc Bóng trong vụ Xuân và trồng 2 sào làm giống vào vụ mùa. Tuy nhiên, từ khi tham gia Dự án, thay đổi một số kỹ thuật trồng, chăm sóc, diện tích đậu tương của gia đình tôi cho năng suất cao hơn. Qua 2 năm áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của Dự án, tôi thu hoạch trung bình gần 1 tấn đậu tương mỗi năm, thu về trên 25 triệu đồng lợi nhuận, tăng gần 30% so với trước kia.
Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, khi áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất, diện tích đậu tương thuộc Dự án đều cho năng suất cao. Riêng cây đậu tương đặc sản giống Cúc Bóng cho năng suất cao hơn gần 28% so với trước đây. Cụ thể, đậu tương Cúc Bóng cho năng suất thực thu đạt trên 1,8 tấn/ha/vụ; đậu tương DT84 đạt trên 2 tấn/ha/vụ; đậu tương DT34 đạt trên 2,1 tấn/ha/vụ. Với giá bán trên thị trường khoảng 28-30 triệu đồng/tấn, người dân có thể thu lãi 40-50 triệu đồng/ha trong một vụ gieo trồng đậu tương (vụ xuân).
Theo chị Lê Thị Linh, cán bộ phụ trách Dự án của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai: Sau 2 năm triển khai Dự án, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bà con. Kỹ thuật canh tác theo quy trình được vận dụng hiệu quả đã bước đầu giúp bà con thay đổi nhận thức, mạnh dạn thay thế những loại cây giống kém chất lượng và đưa cây đậu tương vào sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng khi kết thúc Dự án vào năm 2024, trên địa bàn huyện sẽ hình thành vùng nguyên liệu đậu tương mang tính ổn định, có chất lượng cao phục vụ thị trường, đặc biệt là nghề làm đậu phụ ở địa phương...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin