Sản phẩm khó tiêu thụ, phải cắt giảm nhân công và quy mô sản xuất, duy trì hoạt động cầm chừng… là tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh gặp phải từ đầu năm đến nay. Để từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, các cơ sở đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để giảm chi phí nhân công.
Do gặp khó khăn về đầu ra nên gia đình ông Nông Văn Tuyên, ở xã Động Đạt (Phú Lương), đã đóng cửa 1 xưởng ván bóc, chỉ duy trì hoạt động xưởng ván băm. |
Vào thời điểm này năm ngoái, trung bình mỗi tháng, xưởng chế biến gỗ băm của gia đình ông Nông Văn Tuyên, ở xóm Đồng Nghè, xã Động Đạt (Phú Lương) sản xuất, tiêu thụ được 500-700 tấn ván dăm. Nhưng năm nay, sản lượng chưa đạt 100 tấn/tháng.
Ông Tuyên giãi bày: Xưởng của chúng tôi chủ yếu mua gỗ keo của bà con trong tỉnh về chế biến. Do phụ thuộc phần lớn vào thương lái nên việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả cũng bấp bênh. Đơn cử như cách đây vài tháng, gỗ băm có giá 2,6 triệu đồng/tấn, nhưng hiện tại đã giảm xuống còn 2,2 triệu đồng/tấn mà vẫn khó tiêu thụ. Do hàng tiêu thụ chậm nên chúng tôi chỉ duy trì 1 xưởng sản xuất với 4 lao động, còn 1 cơ sở ván bóc đã đóng cửa mấy tháng.
Theo tính toán, để đầu tư 1 xưởng chế biến gỗ, chủ cơ sở phải chi phí hết hơn 3 tỷ đồng làm kho bãi, mua máy băm, máy bóc vỏ, xe nâng, xe tải… "Bởi vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có chính sách giảm tiền thuê đất; kết nối cung cầu giúp bà con duy trì sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Tuyên nói.
Giá bán giảm, hàng hóa tiêu thụ chậm, sản xuất cầm chừng cũng là tình trạng cơ sở chế biến ván bóc của gia đình ông Vương Ngọc Viên, ở xóm Phú Đô, xã Phú Đô (Phú Lương) đang phải đối mặt.
Ông Viên chia sẻ: Hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhà tôi sản xuất, tiêu thụ 90m3 gỗ các loại, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm hiện chỉ đạt 2,3 triệu đồng/m3, giảm 500 nghìn đồng/m3 so với năm ngoái, mà vẫn còn hàng tồn kho. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã đầu tư thêm máy bóc vỏ, máy xẻ để giảm bớt chi phí công lao động và đa dạng hóa sản phẩm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trung bình mỗi năm, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn toàn tỉnh đạt 250.000m3. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ gia dụng, sản xuất bột giấy, ván ép công nghiệp và viên nén mùn cưa.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản, với các sản phẩm chủ yếu như: gỗ ván bóc, gỗ ghép thanh, mộc gia dụng, đồ gỗ trang trí, ván dăm... Đa phần các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư hạn chế, công nghệ chế biến còn lạc hậu, thủ công.
Ngoài ra, các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, chủ yếu thu mua gỗ trôi nổi trên thị trường và qua các đầu mối trung gian; sản phẩm chủ yếu là hàng thô hoặc nguyên liệu trung gian; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao.
Thực tế từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn do kinh tế suy giảm, lạm phát ở nhiều quốc gia đã khiến thị trường gỗ toàn cầu sụt giảm sâu. Điều này gây tác động lớn đến ngành gỗ trong nước, do thị trường xuất khẩu bị đứt gãy. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lâm sản trong tỉnh không có đơn hàng nên chỉ hoạt động cầm chừng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 cơ sở phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Trước những khó khăn về đầu ra sản phẩm của ngành chế biến lâm sản, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Về phía đơn vị quản lý là ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ tập trung, khuyến khích người dân chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến. Mặt khác, tỉnh Thái Nguyên cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, tham gia chế biến sâu sản phẩm gỗ rừng trồng và liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho các cơ sở sơ chế nhỏ lẻ và người trồng rừng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin