Là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm gần đây, Tân Thịnh đã có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, được đánh giá là điểm sáng của huyện Định Hóa.
Anh Lý Văn Tông, ở xóm Bản Màn, xã Tân Thịnh, được nhận bò giống từ Dự án “Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện Định Hóa". |
Xã Tân Thịnh nằm cách trung tâm huyện Định Hóa khoảng 8km, với diện tích tự nhiên gần 6.000ha. Xã có gần 1.200 hộ dân, với khoảng 5.000 nhân khẩu. So với các địa phương khác trên địa bàn huyện Định Hóa, Tân Thịnh có diện tích tự nhiên lớn, dân cư sinh sống rải rác, chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Trước đây, do tư duy sản xuất cũ, chưa bắt kịp với phương pháp canh tác nông, lâm nghiệp hiện đại, nên hầu hết bà con chưa tận dụng được lợi thế từ diện tích đất tự nhiên lớn của địa phương.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Tân Thịnh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ đó, hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Một trong những kết quả nổi bật nhất là diện tích rừng sản xuất đã tăng lên tới hơn 3.500ha. Toàn xã hầu như không có nơi nào còn đất trống, đồi trọc.
Gia đình ông Trịnh Xuân Cường, ở xóm Làng Đúc, là một trong những hộ tiêu biểu vươn lên làm giàu từ rừng. Ông Cường cho hay: Từ những năm 2000, gia đình tôi đã bắt đầu trồng cây mỡ trên diện tích 5ha. Tuy nhiên, do không chăm sóc nên cây còi cọc, chết non. Đến năm 2009, tôi buộc phải bán sớm toàn bộ diện tích cây mỡ với giá chưa đến 90 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ thất bại đó, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất rừng sang trồng keo Úc, keo tai tượng. Nhờ áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm, lứa thu hoạch đầu tiên, nhà tôi thu về gần 300 triệu đồng. Từ số tiền này, gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng rừng và chăn nuôi gia súc dưới tán rừng.
Còn tại Thịnh Mỹ, một trong những xóm từng nghèo nhất của xã Tân Thịnh, cũng đang có sự "thay da đổi thịt".
Anh Ma Văn Thanh, Bí thư Chi bộ xóm Thịnh Mỹ, cho biết: Năm 2019, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thịnh Mỹ được đầu tư con đường bê tông chạy vào thẳng trung tâm xóm, nên hoạt động giao thương của người dân trở nên thuận lợi hơn. Từ đó, việc đầu tư phát triển chăn nuôi cũng được người dân quan tâm hơn, vì không còn lo bị tư thương ép giá. Đến nay, trong xóm đã có một số mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao, như: mô hình trồng cam của hộ chị Phương Thị Yến; mô hình chăn nuôi gia súc của anh Trần Văn Quán…
Bên cạnh đó, nguồn lợi từ 1.000ha rừng đã giúp hàng chục hộ dân ở Thịnh Mỹ có thu nhập lên đến 100 triệu đồng/năm. Tính đến nay, xóm chỉ còn hơn 20 hộ nghèo, giảm gần 40 hộ so với năm 2017. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được xã Tân Thịnh chú trọng. Hàng năm, xã phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho hơn 100 lao động nông thôn được làm việc tại các công ty, nhà máy với thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa mở các lớp đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số…
Từ những giải pháp trên, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Thịnh qua từng năm. Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025), xã Tân Thịnh có 329 hộ nghèo, chiếm 27,8%; hộ cận nghèo là 278 hộ, chiếm 23,5%. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo của địa phương giảm còn 163 hộ, chiếm 13,7%; hộ cận nghèo còn 93 hộ, chiếm 7,8%. Năm 2023, xã phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 13%, hoàn thành tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin