Gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP

Theo HNM 14:40, 21/09/2023

Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP liên tục tăng, 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt xấp xỉ 15%, trước đó năm 2022 đạt 14,26%. Để thúc đẩy hơn nữa tỷ trọng kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp...

Đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel giới thiệu sản phẩm Viettel Home tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I, tháng 9/2023.
Đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel giới thiệu sản phẩm Viettel Home tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I, tháng 9/2023.

Tỷ trọng kinh tế số ngày càng tăng

Kinh tế số được định nghĩa là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Để thúc đẩy kinh tế số, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%...

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trên GDP của cả nước năm 2022 là 14,26% (năm 2021 là 11,91%). Quý II/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 14,96%.

Về phía các doanh nghiệp cũng đã có những thông tin rất chi tiết về đóng góp cho phát triển kinh tế số. Đại diện FPT cho biết, giải pháp hợp đồng điện tử của doanh nghiệp này (FPT.eContract) sau khi ra mắt 3 năm đạt hơn 2 triệu giao dịch, hơn 4 triệu đối tác ký và hơn 1.500 khách hàng doanh nghiệp ký kết từ xa. Hay “trợ lý ảo” akaBot - giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ có khả năng mô phỏng thao tác của con người, rút ngắn 70% thời gian xử lý quy trình và tiết kiệm tới 21,9 triệu giờ làm việc/năm.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng và thúc đẩy kinh tế số, ông Lê Anh Văn, đại diện VNPT đề xuất có thể ứng dụng mô hình trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) ngắn hạn trong giai đoạn 2023-2024. Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp, tòa nhà có thể triển khai tích hợp trợ lý vnFace nhận diện cán bộ, công chức, viên chức; nhận diện khách hàng VIP tại các doanh nghiệp và quản lý an ninh tại các tòa nhà...

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Viettel, chia sẻ từ những kết quả nổi bật trong triển khai hệ sinh thái tài chính số Viettel Money, cơ quan quản lý cần có kế hoạch phát triển hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số…

Đánh giá cao sự tăng trưởng về kinh tế số tại Việt Nam, ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam có nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển kinh tế số, xã hội số. Bởi tỷ lệ người dùng internet đạt 78,6%, tỷ lệ người dùng thiết bị di động 79% tại Việt Nam thuộc mức cao so với thế giới và tốp đầu thế giới về kết nối băng rộng.

Tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh

Tính đến hết quý II/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP tại Việt Nam đã đạt xấp xỉ 15%, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở lĩnh vực này. Song các số liệu từ báo cáo về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế số của Vụ Kinh tế số và Xã hội số cũng đặt ra một số vấn đề với nhà quản lý. Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn cho rằng, chủ yếu là chưa có số liệu thống kê chính thức, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương kịp thời nghiên cứu phương pháp thống kê, đo lường.

Vì vậy, một trong số các giải pháp giúp tháo gỡ vướng mắc trong xác định chỉ tiêu kinh tế số đó là Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển một công cụ hỗ trợ công tác tổng hợp, giám sát. Dự kiến, tháng 11/2023 công cụ này sẽ được cung cấp tới các địa phương.

Khuyến nghị về hướng phát triển kinh tế số cho Việt Nam, vị chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của WB - Toni Kristian Eliasz nhấn mạnh, Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực số, kỹ năng số, đồng thời cần chú trọng tăng cường tỷ lệ hộ gia đình có máy tính tại nhà.

Ông Matthew Francois, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của hãng McKinsey & Company (công ty về tư vấn quản trị toàn cầu) nhấn mạnh, có 3 lĩnh vực kinh tế số có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, gồm: Giao dịch thương mại điện tử trực tuyến; chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính và thúc đẩy kỹ năng số.

Những khuyến cáo này cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh trong Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, có việc thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng, hướng tới phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) trên cả nước theo hướng mỗi hộ gia đình có 1 smartphone; phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như: Chế biến, nông nghiệp, du lịch, logistics và dệt may.

Đáng chú ý, Bộ sẽ xây dựng và triển khai miễn phí nền tảng bồi dưỡng kỹ năng số với những khóa học kỹ năng cơ bản cho người dân, đặc biệt là phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) để sáng tạo nội dung; chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

“Mục tiêu của phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn để hiện thực hóa mục tiêu này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Từ khóa:

kinh tế số

GDP

Việt Nam