Tại Thái Nguyên, lao động ở khu vực nông thôn hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Do vậy, việc phát triển ngành nghề được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tận dụng thế mạnh của địa phương là có diện tích rừng sản xuất lớn, thời gian qua, nghề chế biến lâm sản ở huyện Định Hóa phát triển khá mạnh, góp phần tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Một cơ sở chế biến gỗ ở xã Phú Tiến. |
Là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất đũa cọ trên địa bàn huyện Định Hóa, mô hình của anh Quán Văn Bảy, ở xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, được đánh giá là phù hợp với điều kiện của địa phương và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân là bởi Định Hóa có diện tích cây cọ lớn, sản phẩm đũa từ gỗ cọ lại có ưu đểm không bị cong vênh, vân đẹp, ít ẩm mốc và giá bán cạnh tranh nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2015, đến nay, cơ sở của anh Bảy sản xuất trung bình 15-20 nghìn đôi đũa/ngày; tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động. Đáng chú ý là sản phẩm đũa cọ mang thương hiệu Hoàng Linh của cơ sở đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao, nhờ đó, vươn xa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Anh Bảy chia sẻ: “Tôi may mắn vì trong quá trình thử nghiệm mô hình luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chuyên môn, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi để vượt qua khó khăn ban đầu...”. Từ sự tiên phong của anh Bảy, nhiều cơ sở sản xuất đũa cọ đã ra đời trên địa bàn huyện Định Hóa, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.
Bên cạnh những mô hình sản xuất riêng lẻ như của anh Quán Văn Bảy, các ngành nghề ở khu vực nông thôn tại Thái Nguyên gắn liền với làng nghề, hợp tác xã nông nghiệp cũng đã phát huy hiệu quả. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh dự kiến có 277 làng nghề (5 làng nghề đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận) và hơn 100 hợp tác xã hoạt động sản xuất - kinh doanh trong làng nghề.
Doanh thu bình quân của các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong làng nghề đạt hơn 1.800 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề chủ yếu là: Chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh; dệt may; thêu ren; đan lát; cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh…
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ người dân. Chỉ tính từ năm 2022 tới nay, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã thực hiện 12 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Qua đó hỗ trợ thu mua nguyên vật liệu, chuyển giao máy móc sản xuất và khoa học công nghệ, giúp người dân trong các làng nghề, hợp tác xã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó là các chương trình đào tạo nghề cho lao động gắn với thực tế sản xuất ở nông thôn; hỗ trợ cơ sở và hộ sản xuất trong làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm; phát triển hạ tầng nông thôn, giải quyết từng bước việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề...
Với định hướng phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại…, tạo cơ hội để bà con nông dân chuyển đổi ngành nghề theo hướng "ly nông nhưng không ly hương". UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; phát triển các ngành nghề, làng nghề gắn với thúc đẩy du lịch trên địa bàn tỉnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin