Phụ nữ Phú Lương liên kết làm giàu

Phan Trang 13:32, 20/10/2023

Liên kết trong sản xuất, kinh doanh đang là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Lương chú trọng nhân rộng. Giải pháp này góp phần giúp chị em hội viên vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các chị em là thành viên của Tổ hợp tác sản xuất nếp Vải Hiệp Hòa, xã Phủ Lý trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa Nếp Vải.
Các chị em là thành viên Tổ hợp tác sản xuất nếp Vải Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương) trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa nếp Vải.

Tổ hợp tác sản xuất nếp Vải Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương) được thành lập năm 2018. Tổ hợp tác có 7 thành viên, đều là hội viên phụ nữ, với ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh lúa nếp Vải. Sự ra đời của Tổ hợp tác đã giúp chị em thay đổi tư duy trong sản xuất, cung ứng sản phẩm gạo nếp ra thị trường; góp phần nâng cao thu nhập của gia đình hội viên.

Chị Lưu Thị Tuyết, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: Tham gia Tổ hợp tác, tôi và các thành viên được tham gia tập huấn về quy trình sản xuất lúa nếp Vải đạt tiêu chuẩn; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Nhờ đó, tôi biết cách gieo cấy, bón phân và phun thuốc theo quy chuẩn. Năm 2022, năng suất lúa của gia đình tôi đạt 1,7 tạ thóc tươi/sào, tăng 0,3 tạ so với trước đây. Số thóc sau khi thu hoạch đều được hộ hội viên làm nghề xay xát gạo trong Tổ hợp tác thu mua với giá 10 nghìn đồng/kg thóc tươi, cao hơn so với bán cho tư thương khoảng 1- 2 nghìn đồng.

Tương tự, tại xóm Phú Nam 3, xã Phú Đô, Tổ liên kết trồng cây ăn quả và chăn nuôi an toàn của chị em phụ nữ cũng đang hoạt động hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ liên kết, cho hay: Tổ liên kết được thành lập vào năm 2018, với 6 thành viên, ngành nghề chính là trồng cây ăn quả. Tham gia Tổ liên kết, các hội viên có cơ hội được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có 17 tổ liên kết, tổ hợp tác và 6 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Nhằm giúp các mô hình liên kết của hội viên, phụ nữ hoạt động hiệu quả, Hội LHPN huyện Phú Lương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn; quy trình thành lập hợp tác xã, xây dựng sản phẩm OCOP…

Từ năm 2021 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức được 45 buổi tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên. Hội cũng phối hợp tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm để kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ liên kết, hợp tác xã tham gia trưng bày sản phẩm tại nhiều hội chợ, triễn lãm do UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, UBND huyện tổ chức...

Các cấp Hội cũng đã tư vấn, hỗ trợ tập thể, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, tổng dư nợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT và Quỹ TYM do các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện quản lý là khoảng 400 tỷ đồng, với trên 5.000 hộ vay.

Chị Bàn Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương, cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên tham gia các mô hình liên kết giúp nhau phát triển kinh tế dựa trên nhu cầu, thế mạnh của địa phương; hỗ trợ thành lập thêm các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ các mô hình liên kết của hội viên tham gia xây dựng sản phẩm OCOP…



  • Tìm hiểu Smoovy cho phụ nữ