Điểm tựa từ kinh tế tập thể

Vũ Công 11:23, 20/10/2023

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) trên địa bàn tỉnh hiện có gần 116 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và MN.


Mô hình trồng cây thanh long của HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá (Võ Nhai) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình trồng cây thanh long của HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá (Võ Nhai) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 110 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và MN; đồng bào DTTS chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh (với trên 384.000 người). Đây là vùng có diện tích đất tự nhiên lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, qua đó cũng đã hình thành nhiều HTX nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 517 HTX nông nghiệp, trong đó số HTX ở vùng đồng bào DTTS và MN chiếm 22,4%, với các lĩnh vực hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Các HTX góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân ở nhiều xã vùng DTTS và MN.

HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ, xã Yên Đổ (Phú Lương) được thành lập năm 2021 với 22 thành viên. Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là ươm cây giống (cây keo). Không chỉ đem về thu nhập trung bình cho mỗi thành viên trên dưới 100 triệu đồng/năm, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã. Là một thành viên HTX, ông Lương Đức Chỉnh, ở xóm Thanh Đồng, chia sẻ: Vườn ươm keo giống của gia đình tôi trung bình một năm ươm được khoảng 220.000 cây. Vào các thời điểm đóng bầu tra hạt, đảo bầu, vận chuyển cây, tôi thường thuê từ 5-6 lao động/ngày.

Chị Mã Thị Sính, dân tộc Mông, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), cho biết: Cứ vào thời điểm ươm cây giống, tôi và một số thành viên của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ cùng tham gia đóng bầu, đảo bầu. Công việc này không đòi hỏi lao động tay nghề cao, chỉ cần cẩn thận, chăm chỉ là được. Mỗi ngày thu nhập dao động từ 200-400 nghìn đồng, qua đó giúp tôi cải thiện đời sống gia đình.

Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 4 HTX đang hoạt động, trong đó 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đi vào hoạt động góp phần khắc phục được nhiều hạn chế trong sản xuất, như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp. Cùng với đó là mang lại thu nhập cho 100 thành viên của HTX và tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động tại địa phương.


Ông Lương Đức Chỉnh, thành viên HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ, xã Yên Đổ (Phú Lương), tham gia đóng bầu ươm keo giống cùng với người lao động.
Ông Lương Đức Chỉnh, thành viên HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ, xã Yên Đổ (Phú Lương), tham gia đóng bầu ươm keo giống cùng với người lao động.

Còn ở xã Tràng Xá (Võ Nhai) hiện có 4 HTX nông nghiệp, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là trồng cây ăn quả các loại, trồng và chế biến chè, sản xuất rau an toàn... Anh Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá, cho biết: Năm 2019, chúng tôi đã tập hợp được 56 thành viên là những hộ nuôi ong lấy mật, trồng chè, trồng rau màu để thành lập HTX. Qua đó để cùng nhau chia sẻ, học tập kinh nghiệm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản sạch. HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động (với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên) và hàng chục lao động thời vụ tại địa phương.

Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, chia sẻ: Các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng trên địa bàn góp phần không nhỏ vào việc giảm nghèo của xã. Nếu như năm 2016 tổng số hộ nghèo, cận nghèo của xã chiếm 51,6% thì đến đầu năm 2023 giảm còn 27,3%.

Tại nhiều xã vùng đồng bào DTTS và MN hiện nay không chỉ có một mà có nhiều HTX nông nghiệp đang hoạt động, như các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai), Văn Hán, Tân Long, Minh Lập (Đồng Hỷ), Phú Đình, Linh Thông (Định Hóa)... Các HTX được thành lập và phát triển góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, giảm nghèo... trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 82 xã vùng DTTS và MN trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; đầu năm 2023 chỉ còn 8.238 hộ nghèo và 5.932 hộ cận nghèo trong tổng số 96.105 hộ đồng bào DTTS.

Thời gian tới, với việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 về “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN” (thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030) sẽ góp phần thúc đẩy các HTX phát triển, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: Khi Tiểu dự án 2 được thực hiện sẽ góp phần khai thác các tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ vùng đồng bào DTTS và MN. Các HTX và hộ dân khi tham gia chuỗi giá trị sẽ được hỗ trợ về kinh phí, khoa học kỹ thuật...