Tín hiệu vui cho kinh tế lâm nghiệp

Vũ Công 16:23, 29/02/2024

Từ đầu năm đến nay, giá một số mặt hàng chế biến từ gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng trở lại. Đây là tín hiệu vui đối với các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản và những người dân trồng rừng.

Sản xuất ván gỗ ép tại Công ty TNHH Hùng Phát Wood (tại xóm Đá Mài, xã Yên Đổ, Phú Lương).
Sản xuất ván gỗ ép tại Công ty TNHH Hùng Phát Wood (tại xóm Đá Mài, xã Yên Đổ, Phú Lương).

Hiện toàn tỉnh có 618 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản (trong đó có 58 công ty, doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 554 hộ kinh doanh). Các cơ sở chủ yếu sản xuất mặt hàng gỗ dăm, ván bóc, ván ép, gỗ xẻ. Nguồn nguyên liệu được các cơ sở thu mua trực tiếp hoặc gián tiếp từ gỗ rừng trồng của người dân trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là các loại gỗ keo, mỡ.

Theo ngành chức năng, năm 2023, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá lâm sản không ổn định, nhiều cơ sở chế biến lâm sản, đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng. Điều này không chỉ ảnh trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở mà còn giảm thu nhập của người trồng rừng do giá nguyện liệu xuống thấp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, giá bán một số mặt hàng sản xuất từ gỗ rừng trồng tăng lên, mặc dù mức tăng không nhiều nhưng đây là tín hiệu vui và hứa hẹn sẽ có một năm khởi sắc.

Anh Trần Văn Hải, chủ một cơ sở chế biến lâm sản tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ), cho biết: Từ đầu năm đến nay tôi bán được 40 tấn gỗ dăm, với giá 2,5 triệu đồng/tấn dăm khô, cao hơn 100 nghìn đồng/tấn so với cuối năm 2023.

Cơ sở của anh Hải chuyên sản xuất gỗ dăm từ cây keo, sau đó xuất bán qua khâu trung gian để tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc; trung bình mỗi ngày sản xuất từ 20-30 tấn gỗ nguyên liệu.

Còn anh Lô Văn Đoàn, chủ một cơ sở sản xuất lâm sản tại xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), nói: Tôi chuyên sản xuất gỗ ván bóc, trung bình khoảng 400-600m3 gỗ/tháng. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu bán qua trung gian để xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, mỗi mét khối ván gỗ loại A bán được với giá 2,5 triệu đồng, còn loại B, C là 1,5 triệu đồng, so với cuối năm 2023 thì cao hơn 100 nghìn đồng.

Giá bán các mặt hàng sản xuất từ gỗ tăng đã kéo theo giá thu mua gỗ rừng trồng hiện cũng tăng hơn so với cuối năm 2023. Cụ thể, giá củi keo tăng từ 800 nghìn lên 900 nghìn/tấn; gỗ keo (dùng để xẻ và bóc) tăng từ 1,06 triệu đồng/tấn lên 1,1 triệu đồng/tấn...

Theo anh Hải, anh Đoàn và các chủ cơ sở chế biến lâm sản khác thì thời điểm này giá bán một số mặt hàng chế biến từ gỗ rừng trồng tăng do nhiều cơ sở vẫn chưa đi vào sản xuất, hoặc sản xuất với số lượng hạn chế do đầu năm người dân khai thác rừng không nhiều. Tuy nhiên, chỉ có các mặt hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng, còn tiêu thụ ở trong nước hay xuất khẩu đi một số nước khác thì giá vẫn giữ giá ổn định như năm 2023.

Công ty TNHH Hùng Phát Wood có địa chỉ ở xóm Đá Mài, xã Yên Đổ (Phú Lương), là doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có quy mô lớn nhất huyện Phú Lương, với khối lượng xuất bán khoảng 2.000m3 gỗ thành phẩm/tháng. 

Ông Lương Văn Hùng, Giám đốc Công ty, cho biết: 1/3 sản phẩm của Công ty được xuất bán đi thị trường Nhật Bản, còn lại là tiêu thụ trong nước. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu được 48 khối gỗ thành phẩm, so với năm 2023 thì giá bán vẫn giữ từ 4-6 triệu đồng/khối tùy từng kích cỡ.

Theo ngành chức năng thì tùy từng thời điểm trong năm mà giá gỗ sẽ lên xuống thất thường. Chính vì vậy, để lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).


Từ khóa:

tín hiệu vui

kinh tế

lâm nghiệp