Là phóng viên theo dõi khối ngân hàng, tôi cứ tự hỏi, ngành Ngân hàng có đóng góp gì đặc biệt trong kháng chiến? Tìm trong lịch sử, tôi cũng đã có câu trả lời: Cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, có một "Con đường tiền tệ" thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngành Ngân hàng đã góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Toàn tỉnh hiện có 35 tổ chức tín dụng, trong đó có 29 chi nhánh ngân hàng TMNN, CPNN, TMCP khác, ngân hàng nước ngoài; 3 quỹ tín dụng nhân dân; ngân hàng chính sách xã hội, 1 tổ chức tài chính vi mô và ngân hàng phát triển. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch BIDV Gang Thép thuộc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên. Ảnh: T.H |
Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt làm hai, tài chính chi cho cuộc kháng chiến chủ yếu do miền Bắc chi viện hoặc do các nước bạn tài trợ. Nhưng, việc vận chuyển tiền rất khó khăn, theo đường chuyển khoản chính thức thì không được vì miền Nam đang trong tay chính quyền Sài Gòn. Để chuyên trách việc chi viện tài chính cho các chiến trường, tháng 4-1965, từ đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ Chính trị đã cho thành lập "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" mang mật danh B29 (B là ký hiệu của Phòng Công tác miền Nam, 29 là số điện thoại của phòng qua tổng đài của Ngân hàng Nhà nước) ở miền Bắc để tiếp nhận viện trợ của các nước tiến bộ để chuyển vào miền Nam; đồng thời, thành lập Ban Tài chính đặc biệt (bí số N.2683) là đơn vị trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.
B.29 là đơn vị bí mật, được biên chế 14 cán bộ phụ trách. Với tính chất công việc đặc biệt, B29 như một "binh đoàn tiền tệ", hoạt động theo nguyên tắc của hoạt động tình báo, chịu sự chỉ đạo và báo cáo đơn tuyến với cấp trên. Nhiều chỉ thị, mệnh lệnh được truyền miệng từ lãnh đạo cấp cao mà không có văn bản ký duyệt. Các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn về giao dịch, thanh toán, kế toán và ngân quỹ - mỗi bộ phận chỉ có một người. Mỗi cán bộ chỉ biết công việc của mình, không biết việc của người khác. B29 được xem là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Ngay khi mới thành lập, B29 đã có 3 đại diện thường trú dưới danh nghĩa khác nhau tại Hồng Kông, Bắc Kinh và Paris.
Khâu vận chuyển tiền ở phạm vi phía Bắc với các nước bạn do B29 phụ trách thường sử dụng các phương tiện như đường sắt, liên vận quốc tế, các hãng hàng không… Mỗi chuyến vận chuyển tiền trong cặp thường có từ vài triệu USD tiền mặt. Những cán bộ chuyển ngân hoạt động như khách VIP đi công tác, các lộ trình đều tuyệt mật theo nguyên tắc đơn tuyến.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, các cán bộ, chiến sĩ B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh - Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban Tài chính đặc biệt với các phiên hiệu: B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường.
Ban đầu, bằng phương thức vận chuyển tiền mặt (AM), tiền từ kho ngoại tệ đặc biệt (cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Trung ương - 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội; do B29 quản lý) được chuyển cho đơn vị đặc biệt chuyên phụ trách vấn đề này của Tổng cục Hậu cần Quân đội là C.100 thuộc Đoàn 559, sau đó được đóng thùng đặc chủng và chuyển theo tuyến đường Trường Sơn hoặc đi đường biển bằng những chuyến tàu không số, cất giấu dưới hầm tàu 2 đáy, có lúc tiền còn được chuyển bằng vali ngoại giao…
Đến cuối năm 1965, tình hình chiến sự diễn ra ác liệt trên khắp các mặt trận tại miền Nam, hoạt động vận chuyển tiền trực tiếp bằng đường bộ và đường hàng không đều khó thực hiện. Thời điểm này, Trung ương Cục miền Nam đã đề xuất Chính phủ thực hiện “vận chuyển” tiền chi viện theo phương pháp mới gọi là phương thức chuyển khoản FM, giúp việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút, đáp ứng nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi.
Trong những năm kháng chiến, hàng trăm triệu đô la chi viện miền Nam đã được vận chuyển qua con đường Trường Sơn (ảnh tư liệu của Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn) |
FM là phương thức sử dụng hình thức chuyển khoản do B29 tại Hà Nội thực hiện theo yêu cầu của Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (có bí danh là N2683), để hoàn trả tại nước ngoài, chủ yếu là tại cơ sở của ta tại Hồng Kông. Đầu mối và cũng là cơ sở của N2683 là các đại thương gia được cách mạng cảm hóa, có khả năng chi tiền mặt cho đường dây hoạt động nội thành của N2683. Họ gửi tiền tại các ngân hàng ở Sài Gòn. Theo sự thỏa thuận với N2683, họ rút tiền mặt từ các ngân hàng với lý do để sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế là trao cho ta và được giao tại những nơi quy ước "làm ăn" hoặc tại những vùng giáp ranh, ven đô Sài Gòn - Gia Định, có khi còn xa hơn nữa. Sau đó, theo thông báo của N2683, B29 sẽ chi trả lại bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài.
"Con đường tiền tệ" huyền thoại trong kháng chiến đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì những thành tích đó, ngày 9/6/2009, Quỹ ngoại tệ đặc biệt B29 và Ban Tài Chính đặc biệt N2683 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Như mạch nguồn xuyên suốt thời gian, tiếp nối truyền thống vẻ vang, ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực, tạo nên những huyền thoại mới trên con đường tiền tệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh.
Trong 10 năm (1965-1975) "con đường tiền tệ" đã vận chuyển vào miền Nam cả tiền mặt và chuyển khoản hơn 477 triệu USD. Trên đường vận chuyển, bị địch thả bom B52 đánh phá, xe và tiền bị cháy, mất gần 3,8 triệu USD. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin