Với 14 cơ sở sản xuất gạch không nung hoạt động trên địa bàn, xã Lâu Thượng là một trong những địa phương sản xuất gạch không nung (gạch silicat) nhiều nhất huyện Võ Nhai. Nghề làm gạch tuy vất vả nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong thời điểm nông nhàn.
Công nhân xếp gạch sau khi đã được phơi khô. |
Mới đầu Hè, nhưng ánh nắng đã khá gắt khiến cho những người làm gạch ở Cơ sở Tuân Nga ướt đẫm lưng áo. Anh Hoàng Văn Bảo tạm dừng tay, trò chuyện với chúng tôi: Gia đình tôi có ít ruộng, cả hai vợ chồng lại không có nghề nghiệp ổn định nên những lúc nông nhàn đến đây làm thuê. Càng nắng nóng càng phải tranh thủ làm thì gạch mới được hong khô, đảm bảo chất lượng. Gạch phải phơi nắng ít nhất 7 ngày mới đạt yêu cầu để xuất bán.
Những hàng gạch mới đóng xong được vợ chồng anh Bảo xếp thẳng hàng, ngay lối, tạo khoảng chống để dễ hong khô; xong công đoạn đó, anh chị lại tranh thủ xếp những viên đã đạt yêu cầu vào một khu khác, chờ xuất bán. Thấy chị Lan (vợ anh Bảo) phải dùng khá nhiều sức mới đưa được viên gạch lên hàng, tôi cũng cúi xuống nhấc một viên nhưng quả thật rất nặng, phải gấp 3-4 lần viên gạch đỏ thông thường.
Nhìn những người lao động vất vả mưu sinh với nghề dưới nắng nóng, tôi không khỏi chạnh lòng. Anh Hoàng Văn Thanh, người làm gạch thuộc Cơ sở Hồng Hằng, tâm sự: Mỗi ngày, chúng tôi đóng được từ 500-600 viên. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi và làm đều, mỗi tháng chúng tôi được trả công từ 3-5 triệu đồng, tùy vào khối lượng công việc. So với làm nông nghiệp thì đó là nguồn thu nhập đáng kể, nên có vất vả, nặng nhọc thì chúng tôi cũng cố gắng làm.
Vài năm về trước, nghề đóng gạch silicat ở Lâu Thượng phát triển mạnh hơn do thị trường tiêu thụ thuận lợi, gạch làm ra không đủ bán, nên mỗi cơ sở phải thuê từ 4-5 người mới bảo đảm số lượng cung cấp cho thị trường xây dựng trên địa bàn. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhu cầu xây dựng của người dân cũng giảm nên gạch khó bán hơn. Mỗi cơ sở chỉ duy trì từ 1-2 nhân công.
Anh Vi Văn Sửu, người có 20 năm làm gạch không nung, cho biết: Lúc cao điểm, mỗi ngày, cơ sở của gia đình tôi sản xuất hơn 2.000 viên gạch, nay giảm xuống còn 1.000 viên/ngày, giá bán từ 2.000 đến 2.500 đồng/viên. Hiện tại, tôi chỉ thuê 2 nhân công. Các cơ sở làm gạch không nung trên địa bàn cũng đang gặp khó về nguồn nguyên liệu đầu vào là bột đá và xi măng. Để duy trì hoạt động, chúng tôi phải đầu tư máy móc thiết bị để giảm công lao động và cần có mặt bằng rộng rãi. Trung bình mỗi dàn máy đóng gạch có giá trên 100 triệu đồng; cơ sở nào có điều kiện sẽ đầu tư dàn máy tự động cao cấp giá từ 400 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
Một buổi trò chuyện cùng với những người làm gạch không nung, chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả mà họ đang hằng ngày phải vượt qua vì mưu sinh. Dưới trời nắng gắt, anh Bảo, chị Lan… vẫn đang miệt mài xếp gạch thành chồng ngay ngắn. Còn bên này, anh Hoàng Văn Thanh đang điều khiển máy đóng gạch tự động. Từ những cơ sở sản xuất gạch ở Lâu Thượng, gạch sẽ đến với muôn nhà cho những công trình mới vươn cao.
Một thời, hoạt động sản xuất gạch thủ công bằng cách đốt lò đã đem lại việc làm, thu nhập và cung cấp vật liệu xây dựng cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất gạch thủ công tiêu hao nhiều nhiên liệu, thu hẹp đất trồng lúa, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công để chuyển sang công nghệ tiên tiến khác nhằm bảo đảm môi trường. Từ đó, nghề làm gạch không nung ra đời và ngày càng phát triển. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin