Gạo J02 đang được thị trường ưa chuộng bởi vị đậm, thơm nhẹ, cơm dẻo phù hợp với nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở xã Quy Kỳ (Định Hóa), sản phẩm gạo J02 vẫn đang được bán theo cách thông thường, chưa có thương hiệu cụ thể nên giá trị chưa cao. Nhằm nâng cao giá trị gạo J02 từ đó nâng cao đời sống hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ bà con miền núi Định Hóa tạo vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP ngay chính trên cánh đồng đã từng trồng J02.
Sản phẩm gạo J02 xóm Thống Nhất 1 của Tổ hợp tác xã Quy Kỳ (Định Hóa) được bày bán với bao bì, nhãn mác bắt mắt đi kèm cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Là người thường xuyên sử dụng gạo J02 trong bữa cơm hằng ngày, bà Nguyễn Thị Năm (tổ dân phố 2, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) khá bất ngờ khi biết sản phẩm gạo J02 của Tổ hợp tác xã Quy Kỳ (Định Hoá) được bày bán trong một sự kiện của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, với bao bì, nhãn mác bắt mắt kèm cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Năm chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên dùng gạo J02 vì đây là giống gạo ngon, vị đượm, nấu cháo sánh thơm, nấu cơm dù để nguội ăn vẫn dẻo, ngon… Tuy nhiên, việc mua gạo không thương hiệu, xuất xứ khiến tôi đôi chút bất an. Gạo J02 tôi mua ở các sạp, cửa hàng hiện giờ thường đóng trong những bao lớn, lúc bán mới xúc theo cân, thời gian lưu trữ bao lâu không ai quản lý, người mua khó biết. Chính vì vậy, tôi đánh giá cao việc Tổ hợp tác xã Quy Kỳ của phụ nữ xây dựng thương hiệu gạo J02 với tiêu chuẩn an toàn. Chắc chắn, tôi sẽ chuyển sang mua gạo J02 của bà con Tổ hợp tác xã Quy Kỳ cho gia đình sử dụng lâu dài.
J02 là giống lúa thuần dòng JAPONICA có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đây là giống gạo ngon, nổi tiếng, hạt tròn, hương thơm nhẹ, ngọt đậm đà. Khi nấu chín, hạt cơm trắng, căng bóng rất hấp dẫn. Những đặc tính quý giá trên đã giúp J02 trở thành giống lúa chất lượng cao được ưa thích.
Tuy được nhiều người ưa chuộng nhưng sản phẩm gạo J02 thời gian qua thường vẫn được bán lẻ, giá trị chưa cao. Chính vì vậy, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ hội viên phụ nữ xóm Thống Nhất 1 (xã Quy Kỳ, Định Hóa) triển khai xây dựng mô hình điểm sản xuất lúa J02 theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời xây dựng thương hiệu gạo địa phương, tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường thông qua Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Qua đó, Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 xóm Thống Nhất 1 được thành lập nhằm hình thành vùng trồng trên 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng tốt, năng suất cao, có thương hiệu, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc… 23 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày, tham gia Tổ hợp tác đều là những người có nhiều kinh nghiệm sản xuất và mong muốn phát triển sản phẩm gạo J02 tại địa phương.
Các thành viên Tổ hợp tác thăm mô hình trên cánh đồng thuộc xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ (Định Hóa). |
Tham gia Dự án, các thành viên được đào tạo, cung cấp kiến thức về quản lý chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất an toàn, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người; tạo mã QR truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, bán hàng online...
Bà Hoàng Thị Thùy, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: J02 là giống gạo thuần chủng, ăn ngon, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Hơn nữa, gạo J02 cho năng suất cao, lên tới 2,5-2,6 tạ/sào, với giá bán giá trên thị trường hiện là khoảng 12.000 đồng/kg thóc, cao hơn các loại gạo tẻ khác từ 2-3 nghìn đồng/kg. Sau khi được tập huấn, tôi đã nắm chắc quy trình từ gieo mạ, cấy, chăm sóc, phơi thóc… để đảm bảo cho ra thành phẩm chất lượng cao.
Còn theo chị Hoàng Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác: Khi triển khai mô hình, Tổ hợp tác nhận được sự hưởng ứng cao của chị em phụ nữ cũng như chính quyền địa phương. J02 là giống lúa thuần, hợp với thổ nhưỡng Định Hóa, có nhiều ưu điểm như khả năng chịu rét tốt, không nhiễm bệnh đạo ôn, bạc lá, nên cho năng suất cao. Tham gia mô hình, chúng tôi mong muốn xây dựng được thương hiệu gạo J02, để từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Chúng tôi sẽ đề nghị UBND xã Quy Kỳ hướng dẫn để xây dựng gạo J02 do Tổ sản xuất thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên: Tổ hợp tác sản xuất gạo J02, xóm Thống Nhất 1 là 1 trong 8 mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường chúng tôi đã xây dựng được trong triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Qua 1 năm đi vào hoạt động, Tổ hợp tác đã sản xuất được hạt gạo sạch do giống lúa J02 có đặc tính chống chịu tốt, ít nhiễm sâu bệnh, lại được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Sản phẩm gạo xát mộc, không quá kỹ, có nhiều lợi ích với sức khỏe và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với sản xuất được sản phẩm tốt, mô hình cũng giúp hội viên phụ nữ hiểu biết hơn về việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm nông sản. Qua đó góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tiếp tục khơi dậy tiềm năng của phụ nữ Thái Nguyên trong tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin