Tận dụng phân chuồng để bón ruộng, làm cỏ bằng tay, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh… đó là cách làm mà nhiều người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đang áp dụng trong sản xuất lúa. Cách làm này đã, đang góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của đồng bào dân tộc Mông ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng góp phần đảm bảo môi trường sinh sống của người dân được tốt hơn. |
Sản xuất nông nghiệp của Võ Nhai đa dạng về cây trồng, trong đó, lúa đóng vai trò là một trong những cây trồng chủ lực, với diện tích 2 vụ trên địa bàn toàn huyện đạt gần 5.000ha, sản lượng hằng năm đạt 27 nghìn tấn. Nhiều bà con đồng bào DTTS Võ Nhai vẫn duy trì lối canh tác từ xa xưa là sử dụng phân chuồng thay thế cho phân bón hóa học, làm cỏ bằng tay thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh thay thế các loại thuốc hóa học.
Chúng tôi cùng cán bộ nông nghiệp xã Lâu Thượng về cánh đồng lúa rộng khoảng hơn 5ha của 32/307 hộ đồng bào Mông xóm La Mạ. Bà con nơi đây từ lâu đã được "mệnh danh" là những người sản xuất lúa giỏi nhất trên địa bàn xã, năng suất lúa hằng năm đều đạt từ 2,6-2,8 tạ/sào/vụ, cao hơn mức trung bình của xã từ 0,2-0,4 tạ/sào. Điều đặc biệt là đồng bào Mông ở đây rất ít khi sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong canh tác lúa.
Chị Trương Thị Sải, một người dân trong xóm: Gia đình tôi thường xuyên chăn nuôi 2 con bò vỗ béo, lượng phân chuồng trong chăn nuôi tôi để bón cho 2 sào lúa. Còn về thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ có nguồn gốc hóa học thì hầu như tôi không sử dụng, bởi ruộng nằm ngay sát nhà, sợ khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình. Vụ nào lúa bị sâu bệnh nặng thì tôi sử dụng các loại thuốc vi sinh để thay thế cho thuốc hóa học.
Việc sử dụng phân chuồng đã giúp anh Lương Văn Chung, xóm An Thành, xã Thượng Nung tiết kiệm được khoảng hơn 5 triệu đồng tiền mua phân bón. |
Cùng với đồng bào dân tộc Mông ở xóm La Mạ, bà con nông dân ở các xóm bản có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện Võ Nhai cũng sản xuất lúa theo cách làm truyền thống khi sử dụng rất ít các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Anh Lương Văn Chung, xóm An Thành, xã Thượng Nung: Gia đình tôi hiện có hơn 12 sào ruộng. Từ nhiều năm, trong quá trình sản xuất lúa, gia đình tôi chủ yếu sử dụng phân chuồng để bón ruộng, thỉnh thoảng một số vụ có sử dụng thêm phân kali để lúa cứng cây. Ngoài ra, tôi cũng chỉ áp áp dụng các phương pháp thủ công trong làm cỏ, bắt ốc bươu vàng… Làm theo cách này, giúp đất có độ tơi xốp, hạt lúa mẩy, đều.
Theo ngành chức năng, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cây lúa khỏe, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại lúa tốt hơn. Mặc dù có phát sinh một số đối tượng sâu bệnh hại, tuy nhiên, mật độ sâu và tỷ lệ bệnh hại thấp, đa số ruộng không phải phun trừ và nếu có phun chỉ cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học. Ngoài ra, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất, ô nhiễm nguồn nước; tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất; nâng cao chất lượng hạt gạo…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, chia sẻ: Để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất lúa sang hướng hữu cơ, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các mô hình điểm. Trong đó, ưu tiên chọn những vùng bà con đã sản xuất theo hướng hữu cơ, có diện tích lớn để liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gạo sạch. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác cũng như nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào DTTS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin