Góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh

09:49, 11/05/2018

Cách đây 67 năm, ngày 14/5/1951, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21-SL về việc đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đó, ngày 14-5 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam. Đối với ngành Công Thương Thái Nguyên trong quá trình xây dựng và phát triển đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí trung tâm của các tỉnh trong khu vực và là cực tăng trưởng quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội.

Cách đây 67 năm, ngày 14/5/1951, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21-SL về việc đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đó, ngày 14-5 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam. Đối với ngành Công Thương Thái Nguyên trong quá trình xây dựng và phát triển đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí trung tâm của các tỉnh trong khu vực và là cực tăng trưởng quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội.

Trong những năm từ 1960-1970, Thái Nguyên tự hào là cái nôi của cả nước về phát triển công nghiệp nặng với sự ra đời của Khu công nghiệp Gang thép. Cùng với đó, hàng loạt cơ sở công nghiệp quan trọng cũng xuất hiện, như: Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, Mỏ than Quan Triều, Công ty Cơ khí 3-2, sau đó là khu công nghiệp Gò Đầm với những nhà máy cơ khí lớn nhất nhì cả nước thời kỳ đó. Đối với ngành thương nghiệp quốc doanh trên địa bàn tỉnh cũng phát triển từ sớm. Sau này thị trường bung mở, ngành thương mại chiếm một tỷ trọng tương đối cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một hệ thống gồm 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.420ha; 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.259ha; 22 trung tâm thương mại; 27 siêu thị; 54 cửa hàng tự chọn và 140 chợ... Toàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều nhà máy lớn, cơ sở công nghiệp ứng dụng công nghệ cao của những tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đi vào sản xuất, như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) sản xuất và lắp ráp điện thoại di động; Nhà máy SEMCO sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp; Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo... Đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 6.116 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 78.117 tỷ đồng, trong đó có 131 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư là 7.201.708.186 USD; cơ cấu sản xuất, sản phẩm đã có sự chuyển dịch về chất; nhiều cơ sở sản xuất ổn định và đứng vững trong cơ chế thị trường với những sản phẩm có uy tín trong và ngoài nước; cùng với đó là nhiều loại hình, cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại và truyền thống được triển khai đầu tư... đã góp phần để Ngành hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao.

Sự phát triển mạnh của ngành Công Thương tỉnh được thể hiện bằng những con số đáng ghi nhận: Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 12,75%; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 54,6%; dịch vụ chiếm 32,3% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh (cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo); giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt trên 571.424 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2016, mức tăng trưởng bình quân 2 năm 2016-2017 đạt 23,1%/năm; giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 23,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2016, mức tăng trưởng bình quân 2 năm 2016-2017 đạt 21,4%/năm; mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 2 năm 2016-2017 đạt 17,1%/năm.

Trước xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, ngành Công Thương đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đặt ra. Để chủ động thích ứng với điều kiện mới, Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bền vững có thể đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của tỉnh đến năm 2020 (tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh bình quân 10%/năm) và định hướng cho các năm tiếp theo.

Về công nghiệp, phát triển công nghiệp Thái Nguyên đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên tập trung vào một số ngành có giá trị gia tăng lớn và tỉnh có lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp công nghïệ thông tin; công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới. Đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp... chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển công nghiệp theo chiều sâu để bảo đảm tính bền vững, thân thiện với môi trường; khai thác và sử dụng có hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí trung tâm vùng... Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào đầu tư, xây dựng và phát triển Ngành.

Về dịch vụ thương mại và quản lý thị trường, phaát triển nhanh, đa dạng, chất lượng và bền vững với các loại hình dịch vụ hiện đại, tiện ích... bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế của tỉnh, xứng đáng là một trong những trung tâm dịch vụ phát triển của vùng Thủ đô và trung du miền núi Bắc Bộ. Đặc biệt, quan tâm phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ tỉnh ta có thế mạnh, lợi thế so sánh, như: thương mại - du lịch; giáo dục - đào tạo; vận tải; y tế; bưu chính viễn thông; tài chính - ngân hàng... Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ, thị trường lưu thông hàng hóa; gắn phát triển các loại hình dịch vụ với phát triển đô thị, các khu, cụm công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ; tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ; tăng khả năng dự báo những biến động và đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững. Phát triển dịch vụ trong mối liên kết vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước...