Theo dòng thời sự: Đừng để người lao động thiệt thòi

16:20, 15/05/2018

Người lao động (NLĐ) chính là trung tâm của hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ra của cải vật chất nuôi sống xã hội. Vậy, thời gian qua đời sống NLĐ được quan tâm thế nào? Tiếng nói của họ có vai trò ra sao trong các đơn vị, doanh nghiệp (DN)? Đây luôn là câu hỏi thường trực đối với các nhà quản lý và người sử dụng lao động, nhất là tại thời điểm các địa phương đang hưởng ứng “Tháng Công nhân”, hành động vì NLĐ.

Không phải ngẫu nhiên mà có Tháng hành động vì NLĐ và cũng không phải chỉ có thời điểm này người ta mới quan tâm đến đời sống và môi trường làm việc của công nhân. Điều đó cho thấy, vai trò của NLĐ ở mỗi đơn vị, DN là rất lớn. Chỉ có điều, không phải nơi nào vai trò của họ cũng được đề cao, đời sống vật chất, tinh thần cũng được cải thiện.

Lâu nay, báo chí đề cập nhiều về những khó khăn mà NLĐ phải đối diện, những lo lắng, bất an về đời sống và tương lai việc làm mà họ phải trải qua. Chỗ này nói thu nhập của công nhân chưa được quan tâm, thiếu chỗ ở; chỗ khác phản ánh chuyện môi trường làm việc không đảm bảo, bữa ăn công nhân đạm bạc. Cá biệt, có trường hợp phản ánh DN vi phạm pháp luật về lao động, công nhân bị ép làm việc quá thời gian quy định, bị chậm trả lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội… Còn nhớ trường hợp của Công ty TNHH Banpo Việt Nam (có dây chuyền may mặc tại huyện Phú Lương) đã nhiều lần để xảy ra đình công do DN trả lương thấp, ép công nhân làm việc quá thời gian quy định. Gần đây, một DN chuyên về vệ sinh môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng bị người lao động ý kiến vì nhiều năm liền không nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho họ dù hàng tháng vẫn trích thu tiền bảo hiểm từ lương của họ. Sự việc vỡ lở, DN này không có khả năng chi trả khiến nhiều NLĐ chịu thiệt thòi.

Cũng bởi vậy mà thời gian qua, ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng công nhân ngừng việc tập thể để phản đối những quy định bất hợp lý của người SDLĐ, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Không ít trường hợp xảy ra xô xát gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của DN, cuộc sống NLĐ cũng bị xáo trộn.

Theo đánh giá của các tổ chức công đoàn cơ sở, để xảy ra những trường hợp như trên phần lớn do người sử dụng lao động chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, xem nhẹ vai trò, đời sống NLĐ; các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để có những can thiệp kịp thời, hợp lý. Thực tế chứng minh, nếu được quan tâm đúng mức, không chỉ đời sống người NLĐ được cải thiện, mà DN cũng có bước phát triển ổn định. Vì đơn giản, khi điều kiện làm viêc, sinh hoạt đảm bảo, NLĐ sẽ gắn bó với DN, toàn tâm toàn ý vì DN. Bài học “có đi, có lại” luôn phù hợp trong mối quan hệ giữa DN và NLĐ.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuy sử dụng lượng lao động lên tới cả chục vạn người, nhưng chưa một lần Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên để xảy ra trường hợp ngừng việc tập thể. Dù ban đầu có những điều tiếng chưa hay về chế độ đãi ngộ với NLĐ của Samsung, nhưng thực tế cho thấy ít có DN quan tâm đến cuộc sống công nhân được như DN này. Ngoài thu nhập cao (từ 6 triệu đến 15 triệu đồng), NLĐ còn được hỗ trợ nhà ở tập thể hoặc có xe đưa đón hàng ngày; được bố trí ăn ca tự chọn, thay đổi món theo khẩu vị với suất ăn đảm bảo; được vui chơi giải trí, tập thể dục, thể thao sau giờ làm việc; được tổ chức sinh nhật và có các chuyến đi chơi nghỉ mát cùng bạn bè, người thân… Do vậy, thời gian qua DN này luôn dễ dàng trong tuyển dụng lao động và được NLĐ toàn tâm gắn bó, công hiến.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và kiểm tra việc thực hiện chính sách cho công nhân tại tỉnh Đồng Nai - nơi có nhiều khu công nghiệp và NLĐ. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã lắng nghe nhiều ý kiến, nguyện vọng của công nhân, thấu hiểu tâm tư, nỗi khổ của NLĐ, nhất là NLĐ làm việc xa nhà. Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi đến từng bữa ăn, giấc ngủ và điều kiện làm việc, sinh hoạt của NLĐ. Qua đó, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp công đoàn, chủ DN phải thực sự quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống NLĐ, không để NLĐ chịu thiệt thòi. Với Thái Nguyên chúng ta, tháng 8-2017, trực tiếp đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 500 LĐ tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Tại đây, nhiều vấn đề bức xúc của NLĐ đã được giải đáp, làm hài lòng NLĐ. Thông qua đó, tỉnh có cơ sở để tăng cường các chính sách ưu đãi, chăm lo đến NLĐ; chủ DN nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ…

Trong “Tháng Công nhân” không có gì ý nghĩa hơn việc chủ DN, nhà quản lý và các cấp công đoàn tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với NLĐ. Từ đó triển khai các việc làm cụ thể, thiết thực vì đời sống NLĐ. Tỉnh ta hiện có gần 200 nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị, DN. Hy vọng, thời gian tới sẽ không có trường hợp nào phải bỏ việc hoặc phàn nàn, bức xúc dẫn tới đình công vì chưa được chủ DN quan tâm, đời sống khó khăn.