Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, dẫn đến lượng đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu đều giảm... Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là sự linh hoạt của các doanh nghiệp, SXCN của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cả nước.
Sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên. |
Thông tin về tình hình SXCN trong những tháng đầu năm, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, cho biết: 2023 là năm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh SXCN cả nước gặp khó khăn do tình hình thế giới biến động khó lường, chi phí đầu vào tăng cao, tạo sức ép lên hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, với sự điều hành, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và quyết tâm vượt khó của các doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm, IIP của tỉnh Thái Nguyên vẫn tăng 4,54% so với cùng kỳ (IIP 4 tháng của cả nước giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022 - P.V). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,56%; sản xuất, phân phối điện tăng 4,59%...
Theo thống kê, nhóm sản phẩm có sản lượng tính đến cuối tháng 4/2023 đạt cao hơn cùng kỳ gồm: Than sạch khai thác 503,4 nghìn tấn, tăng 3,6%; đá khai thác 697,6 nghìn m3, tăng 15,2%; sản phẩm may 33,9 triệu sản phẩm, tăng 3,9%; xi măng 929,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; điện thoại có giá 3-6 triệu đồng/cái tăng 8,6%; điện thoại có giá 6-8,4 triệu/cái tăng 8,4%; tai nghe khác 19,2 triệu cái, tăng 1,7%; điện sản xuất 581,4 triệu kWh, tăng 3%...
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có giá trị SXCN và sản lượng sản xuất đạt cao so với cùng kỳ, như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco, Công ty TNHH Alutech Vina, Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công, Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (FUTU1), Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, Công ty CP Xi măng Quán Triều...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù đã có một số dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Thêm nữa, Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất - kinh doanh và xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công nhân kỹ thuật Công ty CP Cơ khí Gang thép gia công các sản phẩm gang đúc. |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thời, để duy trì SXCN bền vững, duy trì đà tăng trưởng, ngoài sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của các ngành chức năng, bản thân từng doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng quản trị, huy động và tận dụng tốt các nguồn lực, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, doanh nghiệp đã tập trung cải tiến công nghệ theo hướng tự động hóa và ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong lĩnh vực may mặc để mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm, Công ty đã đạt tổng doanh thu trên 1.962 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 98% doanh thu đến từ xuất khẩu sản phẩm may sang các thị trường lớn (riêng thị trường Mỹ đạt tới 47% giá trị xuất khẩu).
Ở chiều ngược lại, một số nhóm sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 503,4 nghìn tấn, giảm 11,8%; gạch xây dựng bằng gốm sứ 16,6 nghìn tấn, giảm 2,3%; điện thoại thông minh 32,1 triệu cái, giảm 2% (trong đó, điện thoại có giá dưới 3 triệu đồng 15,2 triệu cái, giảm 11,6%); camera truyền hình 27,2 triệu cái, giảm 9,1%...
Một số doanh nghiệp sản xuất thép, vật liệu xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Tổ hợp Samsung Việt Nam trên địa bàn, có sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt thấp so với cùng kỳ là: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV), Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên, Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường...
Theo ông Trần Quang Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO): Từ đầu năm đến nay, cạnh tranh trong ngành Thép ngày càng tăng, nguồn cung dư thừa do thị trường bất động sản trầm lắng, sản phẩm tiêu thụ chậm... Dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm cho người lao động, nhưng Công ty phải giảm sản lượng thép cán. Vì vậy, một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh chủ yếu trong 4 tháng đầu năm đạt thấp. Cụ thể: thép cán sản xuất đạt gần 220 nghìn tấn, bằng 28% kế hoạch năm; sản lượng thép cán tiêu thụ đạt trên 195 nghìn tấn, bằng 25% so với kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 23% kế hoạch năm; tiền lương bình quân người lao động đạt 85% so với kế hoạch năm...
Do lĩnh vực SXCN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nên để hoàn thành mục tiêu giá trị SXCN tăng 9,5% trong năm 2023, theo các chuyên gia, tỉnh Thái Nguyên cần bám sát và chủ động thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng ngành Công nghiệp. Đặc biệt là các văn bản như: Công điện số 238/CĐ-TTg (ngày 10/4/2023) và Quyết định số 435/QĐ-TTg (ngày 24/4/2023) về việc giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ để rà soát, nắm bắt tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu tại các địa phương.
Ngoài sự nỗ lực, linh hoạt vượt khó của các doanh nghiệp, rất cần cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin