Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành chiến lược quan trọng trên toàn cầu, với giá trị ước đạt khoảng 800 tỷ USD trong năm 2023. Nằm trong xu thế phát triển đó, Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ vào ngành công nghiệp này. Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự chủ động kết nối để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, Thái Nguyên có cơ hội lớn để phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành động lực mới cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chất bán dẫn xuất hiện trong gần như mọi thiết bị điện tử và có vai trò vô cùng quan trọng đối với hàng loạt các ngành công nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Công nghệ Win Billion Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II). |
Trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh, nhóm ngành điện tử gồm: máy tính bảng, điện thoại thông minh và linh kiện chiếm phần lớn. Đặc biệt, Thái Nguyên được coi là "thủ phủ" sản xuất điện thoại thông minh, với số lượng chiếm khoảng 70% sản lượng sản xuất của cả nước.
Là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã sớm bắt nhịp với lĩnh vực bán dẫn. Tập đoàn đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5-2023, chính thức đi vào sản xuất từ cuối năm 2023 tại Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV). Đây là dự án sản xuất nằm trong phần mở rộng đầu tư tăng thêm 920 triệu USD của Samsung đã được UBND tỉnh cấp phép vào tháng 2-2022.
Theo đó, vốn đầu tư vào nhà máy của SEMV tăng từ 1,35 tỷ lên 2,27 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam là một “tin vui” cho nền công nghiệp trong nước, vì từ trước tới nay, họ chỉ tập trung vào lắp ráp dựa trên linh kiện nhập khẩu từ bên ngoài.
Công ty TNHH Daesin (Khu công nghiệp Điềm Thụy) chuyên sản xuất linh phụ kiện điện thoại cho Tập đoàn Samsung. Ảnh: T.L |
Với chiến lược tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, nhất là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2023, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc làm việc, trao đổi quan trọng nhằm kết nối hợp tác đầu tư với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ.
Tại buổi làm việc này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế và được tỉnh đặc biệt quan tâm. Với môi trường đầu tư thuận lợi, quyết tâm chính trị lớn và dư địa phục vụ sản xuất công nghiệp còn nhiều, Thái Nguyên mong muốn thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến triển khai các dự án trên địa bàn.
Trong khi đó, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, ông John Neuffer khẳng định: Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên. Đồng thời cam kết sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, mang lại những giá trị, lợi ích cho các bên.
Ông Neuffer cũng cho rằng, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn nhân lực có tay nghề, do vậy phía Thái Nguyên nên chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xác định lộ trình thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ từng bước cùng chinh phục lĩnh vực này.
Đầu năm 2023, Dự án Nhà máy BIGL Việt Nam được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 37 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Sông Công II. Doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu cung cấp ra thị trường 3,7 triệu sản phẩm/năm (chủ yếu là linh kiện điện tử). Ảnh: T.L |
Để sẵn sàng đón nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Thái Nguyên đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên có 12 khu công nghiệp, với tổng diện tích 4.245ha (trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung) và 41 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.067ha. Hệ thống giao thông tiếp tục được đầu tư hiện đại và kết nối đồng bộ.
Quy hoạch cũng xác định phát huy vai trò của tỉnh là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng và cả nước. Đồng thời chủ động, tích cực tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số để đổi mới phương thức giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh gắn với hội nhập quốc tế. Cùng với đó là xây dựng lộ trình đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và nhu cầu thị trường lao động...
Khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có và với chiến lược, lộ trình triển khai thực hiện bài bản, Thái Nguyên đặt kỳ vọng tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Từ đó tạo động lực tăng tưởng mới cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn, giúp tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; ưu tiên phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin