Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 27/41 cụm công nghiệp (CCN) có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó 11 CCN đã đi vào hoạt động và thu hút 62 dự án đầu tư. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc thành lập và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Nhà máy may TNG Võ Nhai (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) tại Cụm công nghiệp Cây Bòng (Võ Nhai). |
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 32) có hiệu lực từ ngày 1/5/2024 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 32 là quy định chi tiết việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các CCN mới thành lập.
Cụ thể, ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm đã đi vào hoạt động; các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Về mức hỗ trợ, “Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN”.
Đối với những CCN đang hoạt động, Nghị định số 32 quy định hỗ trợ phát triển cụm thông qua nội dung: Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển CCN do địa phương thực hiện gồm: Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư CCN; điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào cụm; lập, thẩm định thành lập, mở rộng cụm; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong CCN, CCN làng nghề. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định...
Sản xuất gỗ ván ép tại một doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên). |
Ông Vũ Quốc Huy, Trưởng Ban Quản lý CCN số 3 cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên), cho biết: Nghị định số 32 quy định cơ chế hỗ trợ di dời doanh nghiệp sản xuất trong các khu dân cư vào hoạt động trong CCN được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời tạo dư địa cho chủ đầu tư hạ tầng thu hút đầu tư lấp đầy các CCN và góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Không chỉ quy định về ưu đãi, tạo dư địa phát triển các CCN, Nghị định số 32 còn kịp thời tháo gỡ khó những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về thành lập mới CCN. Đơn cử như Nghị định đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung/bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ngoài ra, Nghị định còn tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN.
Chia sẻ về nội dung này, ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp và năng lượng (Sở Công Thương), cho biết: Trước đây, nhiều CCN của tỉnh như Khuynh Thạch, Điềm Thụy... được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg không thể được thành lập mới do không đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, Nghị định số 32 đã tháo gỡ những rào cản về điều kiện thành lập theo hướng đơn giản, linh hoạt, tạo cơ sở pháp lý về điều kiện thành lập đối với CCN này.
Vì vậy, Sở Công Thương hiện đang tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 32. Cụ thể, Sở đã ban hành công văn số 998-SCT-ATMT, ngày 08/04/2024 về việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị định số 32 gửi đến các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh để nắm bắt và triển khai thực hiện; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng CCN về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32; đồng thời tham mưu cho tỉnh kiện toàn thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định hiện hành....
Có thể thấy Nghị định số 32 ra đời và có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về phát triển các CCN. Tuy nhiên, thực tế nhiều CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về tiến độ giải phóng mặt bằng, công tác bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn chậm; hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thiếu và yếu; đối với các CCN được quy hoạch tại miền núi, vùng cao, công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng càng gặp nhiều khó khăn...
Trước thực trạng này, các sở, ngành và các cấp cấp chính quyền địa phương cần tập trung làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án; hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thực hiện các bước lập dự án đầu tư. Trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đấu nối giao thông; các sở, ngành của tỉnh tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại các CCN; tuyên truyền, giám sát và đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng CCN hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm...
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP có hiệu lực thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin