Việt Nam vẫn là điểm đầu tư tốt nhất trong thời gian tới

09:52, 04/06/2008

Đó là đánh giá chung của các công ty Nhật tại cả Nhật Bản và các nước trong khu vực qua cuộc điều tra do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tiến hành.

Hàng năm JETRO thường tiến hành các cuộc điều tra về so sánh chi phí đầu tư, và đánh giá của các công ty Nhật Bản về môi trường đầu tư kinh doanh tại châu Á.

Cuộc điều tra về so sánh chi phí đầu tư được tiến hành tháng 1/2008, gồm các chi phí liên quan đến lao động; đất công nghiệp và văn phòng; thông tin liên lạc; điện, nước, gas, giao thông vận tải; và thuế quan.

Cuộc điều tra đã nhận được đánh giá của 1.745 công ty Nhật Bản tại 6 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam), Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Chi phí lao động thấp là yếu tố quyết định

Các công ty Nhật cho rằng, nhân công tại Việt Nam, gồm lương tháng của công nhân, kỹ sư và cán bộ quản lý cấp trung gian, gần như ở mức thấp nhất trong khu vực. Đây là chi phí có tính cạnh tranh cao của Việt Nam, và thực ra là một trong những yếu tố có tính quyết định khi các công ty Nhật Bản xem xét kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chi phí lao động thấp nhất trong các nước ASEAN là lý do tại sao Việt Nam được chọn là “cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang các nước thứ ba”.

Tuy nhiên, giảm chi phí lại không phải là giải pháp đầu tiên của các công ty Nhật Bản để đối phó với đối thủ cạnh tranh. Khi coi các công ty Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, đặc biệt là thế mạnh về giá của những công ty này, khoảng 60% nhà đầu tư Nhật Bản ở châu Á đã dự định tăng giá trị gia tăng của sản phẩm/dịch vụ trước khi giảm chi phí. Đây cũng là xu hướng chung ở Việt Nam với tỷ lệ tương ứng của các công ty sản xuất là hơn 40% và công ty phi sản xuất là 76%.

Chi phí lao động do đó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất khi tuyển dụng lao động, thay vào đó chất lượng lao động (đặc biệt là năng suất và trình độ đã qua đào tạo) và an ninh lao động (các vấn đề về đình công và các tranh chấp liên quan đến lao động) có vai trò đáng kể trong các quyết định tuyển dụng.

Các công ty Nhật nhận xét ở Việt Nam đặc biệt khó khi tuyển cán bộ quản lý cấp trung gian cho các công ty sản xuất và kỹ sư cho các công ty phi sản xuất, qua đó cho thấy nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện vừa thiếu vừa không thực sự có trình độ như mong muốn.

Giá bất động sản quá cao

Trong xu hướng chi phí thuê bất động sản tăng, giá thuê văn phòng ở Việt Nam cũng đã tăng đáng kể. “Thiếu văn phòng cho thuê và giá thuê tăng” được các công ty phi sản xuất của Nhật coi là khó khăn lớn nhất trong môi trường đầu tư, và vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại Singapore và Việt Nam. Các thành phố ở Việt Nam đã trở nên đắt đỏ nhất trong các nước ASEAN trừ Singapore, và đặc biệt văn phòng ở Hà Nội đã nằm trong danh sách 5 thành phố đắt nhất trong khu vực.

Chi phí thuê nhà ở Việt Nam tăng lên cũng khiến chi phí sinh hoạt của người nước ngoài tại đây bị đội lên, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi bị coi là có giá thuê nhà cao thứ ba trong khu vực.

Tiếp tục mở rộng quy mô trong 1-2 năm tới

Trong số các công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động tại Việt Nam, các công ty sản xuất và phi sản xuất có kỳ vọng khác nhau về doanh thu năm 2007. Trong khi tới 77,8% các công ty sản xuất hy vọng đạt được lợi nhuận cao nhờ doanh thu xuất khẩu tăng (tỷ lệ này tại khu vực và ASEAN là khoảng 70%), nhiều công ty phi sản xuất vẫn còn khó khăn do quy mô thị trường tại Việt Nam còn nhỏ và do thời gian hoạt động của các công ty này tại Việt Nam chưa đủ để thu lợi nhuận, do đó chỉ 29,2% công ty phi sản xuất hy vọng sẽ có lợi nhuận trong năm 2007.

Sang năm 2008, cả hai khu vực đều hy vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện do doanh thu xuất khẩu của các công ty sản xuất tăng và do doanh thu bán hàng nội địa của các công ty phi sản xuất tăng.

Về kế hoạch kinh doanh trong 1-2 năm tới, tới 92,6% các công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam dự định sẽ mở rộng quy mô, và đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ dự định mở rộng của các công ty phi sản xuất tại Việt Nam cũng là cao nhất, 88,2%.

Những kế hoạch mở rộng này sẽ được thực hiện chủ yếu bằng cách mở rộng đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thị trường. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ dự định mở rộng quy mô ở Việt Nam không chỉ là mức cao nhất trong khu vực, mà đặc biệt quan trọng là không có công ty Nhật Bản nào ở Việt Nam và Ấn Độ có ý định thu hẹp hoặc chuyển đến nước khác.

Tuy vậy, cuộc điều tra cũng cho thấy dù Việt Nam được những công ty Nhật tại Nhật Bản và các nước xung quanh đánh giá cao, và nhiều công ty Nhật Bản tại Việt Nam dự định mở rộng quy mô trong thời gian tới, niềm tin của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam theo điều tra năm 2007 không cao như trước. Nguyên nhân chủ yếu khiến niềm tin của họ giảm sút là do Việt Nam kém hơn các nước ASEAN khác về khả năng mua nguyên liệu phụ tùng, và cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi.