Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, nhiều dự án xây dựng nhà xã hội đã được xây dựng. Qua đó giúp nhiều công nhân, lao động, người có thu nhập thấp có nơi ở ổn định.
Trước đây, chưa được ở trong ký túc xá dành cho công nhân, chị Nguyễn Thị Dung, công nhân của Công ty CP Đâu tư và Thương mại TNG đi lại rất vất vả. Nhà ở tận Đại Từ, hằng ngày, chị phải vượt cả một quãng đường dài hơn 30 cây số để đến nơi làm việc. Tuy nhiên, từ khi được vào ký túc xá của Công ty ở, chị không còn phải lo lắng việc đi lại hằng ngày của mình nữa. Chị cho hay: Người xưa thường nói: An cư mới lạc nghiệp. Bởi thế, khi có nơi ở ổn định, tôi sẽ chuyên tâm hơn vào công việc. Ở trong ký túc xá không chỉ sạch sẽ mà an ninh cũng rất tốt.
Được biết, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số ít công ty trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng nhà ký túc xá cho công nhân. Từ năm 2016 đến nay, Công ty đã tích cực thực hiện Dự án nhà ở công nhân. Đến nay, Công ty đã đưa vào khai thác sử dụng 1 nhà 4 tầng và 16 nhà cấp 4 với tổng số 223 phòng, đáp ứng được chỗ ở cho 400 công nhân. Không dừng lại ở đó, Công ty vẫn đang tiếp tục thực hiện Dự án nhà ở xã hội nhằm phục vụ chỗ ở cho công nhân, người lao động và người thu nhập thấp với quy mô xây dựng 15 tầng, 196 căn hộ (diện tích từ 40-70 m2/căn).
Không chỉ riêng CCông ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, thời gian qua, Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng xong Dự án nhà ở công nhân thuộc Khu công nghiệp Yên Bình. Hiện đã đưa vào sử dụng 29 khối nhà ký túc xá dành cho công nhân với tổng số 3.944 phòng ở, giải quyết chỗ ở cho khoảng 30.000 người. Theo đó, Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Glonics Việt Nam có tổng diện tích là 2,5 ha, trong đó diện tích dành cho xây dựng nhà ở công nhân là 1ha (theo thiết kế của chủ đầu tư sẽ xây dựng 3 khối nhà 5 tầng đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 2.000 công nhân) cũng đang thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của công nhân, người lao động, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận đầu tư cho một số doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty CP Bất động sản Đông Đô, Công ty TNHH Thuý Chỉnh... thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Hiện nay, các dự án này đang chuẩn bị thủ tục về đầu tư xây dựng để triển khai xây dựng.
Có thể thấy, những năm qua, khi tỉnh ta chưa bố trí được nguồn ngân sách trực tiếp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội thì việc chấp thuận cho các doanh nghiệp tự bỏ vốn để thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động là một chủ trương rất đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do đây là tổng hợp lĩnh vực thu hút đầu tư (dự án nhà ở xã hội) gồm rất nhiều các dự án đầu tư ngoài Nhà nước do các doanh nghiệp đầu tư, không phải là dự án cụ thể, nên việc đánh giá còn khó khăn. Hơn nữa, việc tiếp cận nguốn vốn để đầu tư cho các dự án này không thuận lợi. Hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể tiếp cận và giải ngân được nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ (gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng). Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội rất lớn, lãi suất vẫn cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài (20 đến 30 năm), chi phí giải phóng mặt bằng cao và khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là việc thiếu quỹ đất sạch để giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân cũng gây cản trở cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Do đó, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho công nhân, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã cùng vào cuộc. Cụ thể là chỉ đạo các cấp, ngành chức năng đánh giá kết quả triển khai về nhu cầu và tỷ lệ đáp ứng của các dự án nhà ở xã hội; rà soát lại các khu chung cư cũ, các khu nhà ở công nhân đã được đầu tư nhiều năm trước để tiến hành thu hút đầu tư tiến hành cải tạo, sửa chữa hoạc đầu tư xây mới; lập quy hoạch các khu xây dựng nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội tương ứng với nhu cầu thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp; xem xét giành quỹ đất phù hợp để thu hút phát triển dự án nhà ở xã hội. Hàng năm, xem xét nhu cầu về nhà ở xã hội tại địa phương, để từ đó cùng nhau phối hợp, tiến hành thu hút các dự án nhà ở xã hội; tập trung và có sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt đối với đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi các nhà đầu tư tiến hành đầu tư nhà ở xã hội...