Với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN)... Với cách làm trên, Thái Nguyên đã trở thành điểm sáng thu hút các doanh nghiệp (DN) FDI, DDI đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án Công ty TNHH DBG Technology (Việt Nam) do nhà đầu tư DBG Electronics Investment Limited (Hồng Kông) đăng ký đầu tư tại KCN Yên Bình, với tổng số vốn đăng ký 80 triệu USD. |
Đồng bộ kết cấu hạ tầng
Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh những năm qua đều gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại. Trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở khu vực phía Nam của tỉnh (TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình). Tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các KCN, gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Các KCN trên địa bàn tỉnh được bố trí nằm dọc theo tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và các tuyến đường trọng điểm quốc gia, tiếp giáp với những KCN lớn của các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa cũng như tạo điều kiện về di chuyển và logistic đối với các nhà đầu tư.
Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư (Ban Quản lý các KCN tỉnh): Lãnh đạo Ban luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư và chủ động tiếp xúc, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các DN đang hoạt động trong KCN. Đặc biệt, Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ về pháp lý cho các DN. Định kỳ đầu năm, Ban tổ chức tọa đàm trực tiếp với các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để có hướng tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định đối với lĩnh vực này. 100% các tổ chức, cá nhân đến thực hiện giải quyết TTHC tại Ban Quản lý đều được hướng dẫn cụ thể và giải quyết trước thời gian quy định đối với những hồ sơ có đầy đủ thủ tục theo quy định.
Thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh sẽ phát triển và mở rộng 11 KCN với tổng diện tích khoảng 4.045ha, bao gồm 7 KCN đã được phê duyệt và 4 KCN được bổ sung. Nếu tính thêm Khu công nghệ thông tin Yên Bình (diện tích 200ha) thì tổng diện tích các KCN của tỉnh là 4.245ha.
Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung vào việc lập, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KCN Sông Công 2 - giai đoạn 2; đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Phú Bình và tiến hành lấy ý kiến cộng đồng và các sở, ngành, địa phương về nhiệm vụ quy hoạch phân khu KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3; quy hoạch chung KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Điềm Thụy - Khu A.
Thái Nguyên có lợi thế là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, với nguồn lao động chất lượng cao dồi dào, đáp ứng nhu cầu của các DN. |
Đất lành không phụ công chăm sóc
Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, song đối với Thái Nguyên, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 vẫn ước đạt 694,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 643,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 27 dự án FDI được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 171,1 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Điển hình như: Nhà máy kỹ thuật vật liệu mới Hengxin Việt Nam (vốn đầu tư 9,8 triệu USD); Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 3 (vốn đầu tư gần 9,9 triệu USD)…
Lũy kế đến ngày 14/9/2023, tại các KCN trên địa bàn tỉnh có tổng số 283 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 156 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10,68 tỷ USD và 127 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký trên 16.284 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lũy kế tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực tăng 16 dự án (tăng 6%).
Để đạt được thành quả trên, cùng với những chính sách vĩ mô về ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn tỉnh; thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung thu hút các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và có lợi thế cạnh tranh...
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh tại các KCN, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tạo “đòn bẩy” để tiếp tục là cực tăng trưởng trong thu hút đầu tư của cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin