Masan High-Tech Materials: Doanh nghiệp Việt tiên phong trong công nghệ pin toàn cầu

03:04, 20/07/2022

Masan High-Tech Materials (MHT) vừa bắt tay với Công ty Nyobolt của Anh để phát triển sản phẩm pin Lithium-ion (Li-ion) sạc nhanh hiệu năng cao và thân thiện với môi trường. Đây là bước tiến mới của MHT trong mục tiêu trở thành nhà cung cấp vật liệu công nghệ cao toàn cầu.

Công nghệ pin vượt trội

Thương vụ trị giá 45 triệu bảng Anh của MHT được tiến hành thông qua công ty thành viên H.C. Starck (HCS) có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức. Cú bắt tay này diễn ra ít lâu sau khi HCS hợp tác thành công với Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mặt trời và Hydrogen Baden-Württemberg (ZSW) của Đức, nghiên cứu về việc sử dụng lớp phủ catốt gốc Vonfram trong pin Li-ion.

Theo thông cáo báo chí vừa được công bố, HCS đầu tư 45 triệu bảng Anh (tương đương 52 triệu Euro) cho 15% số vốn chủ sở hữu của Nyobolt. Sau quãng thời gian hợp tác nghiên cứu, 2 công ty đã thử nghiệm thành công pin Li-ion sử dụng Vonfram và Niobium của HCS cho lớp phủ cực anode, mang đến hiệu suất vượt trội so với các loại pin Li-ion thông thường.

Các ưu điểm vượt trội của pin có thể kể đến, như: thời gian sạc pin đầy hơn 90% trong chưa đến 5 phút; công suất cao hơn gấp 10 lần; độ bền gấp 10 lần, giúp tiết kiệm chi phí trên mỗi lượt sử dụng pin; gia tăng tính an toàn, khả năng chịu nhiệt cao hơn, giảm nguy cơ cháy nổ.

Công nghệ này giúp gia tăng tính ứng dụng của pin và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đối tượng khách hàng của pin sạc Nyobolt sẽ là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa (robotics), thiết bị tiêu dùng, công cụ không dây, hệ thống lưu trữ năng lượng và sạc nhanh di động.

Nhà máy chế biến khoáng sản tại Mỏ đa kim Núi Pháo (nằm trên địa bàn huyện Đại Từ).

Nhà cung cấp hàng đầu thế giới về vật liệu công nghệ cao

Trong lĩnh vực vật liệu công nghiệp công nghệ cao, việc duy trì và phát triển nguồn nguyên liệu là một trong những thách thức lớn nhất của ngành. MHT đã tập trung vào tái chế phế liệu, tìm kiếm nguồn cung có sẵn trên thị trường, đồng thời hợp tác với các chuyên gia và công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai khoáng cũng như chế biến vật liệu công nghệ cao trên thế giới.

Sau khi mua lại HCS - công ty có trụ sở tại Đức với hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tái chế hiệu suất cao, MHT hiện nắm giữ ứng dụng công nghệ hiện đại và dây chuyền sản xuất tiên tiến bậc nhất thế giới, giúp giảm thiểu tối đa sự thất thoát tài nguyên và tối ưu hóa giá trị tài nguyên thiên nhiên, với tỷ lệ thu hồi khoáng sản trên 96%. Các sản phẩm từ Vonfram như APT, YTO, BTO được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp có độ tinh khiết trên 99%, là tiền đề cho hoạt động chế biến sâu nguồn tài nguyên chiến lược của Việt Nam thành các sản phẩm Vonfram có giá trị cao. Các sản phẩm của Công ty hiện được ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng đầu trong các ngành công nghiệp bởi tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường.

Để tối ưu năng lực sản xuất, Công ty đã liên tục cải tiến quy trình chế biến, tập trung vào nghiên cứu và phát triển những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Tổng Giám đốc MHT, ông Craig Bradshaw cho biết: “Mục tiêu cốt lõi của chúng tôi là tập trung kiến tạo giải pháp cho khách hàng. Do đó, chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ với khách hàng, hiểu khách hàng muốn gì để từ đó thực hiện nghiên cứu phát triển, hướng tới đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa và tối ưu hóa những sản phẩm chúng tôi làm ra, đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng toàn cầu”.

Các sản phẩm Vonfram chế biến sâu của MHT.

Đưa Vonfram vào công nghệ pin

Trước bối cảnh công nghệ xe điện đang bùng nổ mạnh mẽ, công nghệ pin phải “bứt tốc” để có thể đáp ứng tốc độ phát triển đó. Hiện nay, nhiều hãng sản xuất đang tạo ra những cuộc chạy đua khốc liệt nhằm tìm ra những công nghệ pin tân tiến nhất cho tương lai, tạo ra triển vọng tươi sáng cho lĩnh vực này.

Nắm bắt được xu thế này, HCS đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc phát triển và ứng dụng vật liệu Vonfram công nghệ cao trong sản xuất và sử dụng pin. HCS đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mặt trời và Hydrogen Baden-Württemberg (ZSW) của Đức, nghiên cứu về việc sử dụng lớp phủ catốt gốc Vonfram trong pin Li-ion. Sau bước đầu đánh giá có hệ thống mức độ phù hợp của một số tiền chất Vonfram, 2 đơn vị đã thực hiện các thử nghiệm đầu tiên về lớp phủ. Theo các tài liệu khoa học hiện hành, lớp phủ gốc Vonfram làm tăng đáng kể tính ổn định của chu kỳ pin Li-ion kể cả với các hạt có trọng lượng rất nhỏ.

Kế hoạch tiếp theo của HCS là thực hiện các nghiên cứu về điện hóa, phát triển các hóa chất Vonfram phù hợp dành riêng cho việc cải thiện hiệu suất và độ an toàn của pin. Việc sản xuất pin với hiệu suất cao hơn và an toàn hơn chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy sử dụng và ứng dụng pin rộng rãi trên toàn cầu. Động thái bắt tay với Nyobolt chính là bước tiến mới nhất của kế hoạch này.

Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu hiện thực hóa tầm nhìn, không những trở thành nhà cung ứng vật liệu công nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, mà còn trực tiếp tham gia và dẫn dắt thị trường pin sạc toàn cầu cùng với các sản phẩm tiêu dùng công nghệ khác trong một tương lai không xa.