Những năm qua, việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng mà còn tạo sinh kế, giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà văn hóa xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vừa mới được đầu tư sửa chữa khang trang hơn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương. Điểm khác biệt là bà con không phải đóng góp tiền mà kinh phí được lấy từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện, xóm đang tham gia quản lý, bảo vệ trên 200ha rừng, được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng xóm Yên Ngựa phấn khởi cho biết: Để quản lý tốt diện tích rừng được giao, xóm đã thành lập tổ quản lý, bảo vệ rừng gồm 20 người tham gia tuần tra rừng. Định kỳ hằng tuần, nhóm chia ra làm nhiều tốp để vào rừng kiểm tra hiện trạng. Nếu phát hiện có sự xâm hại, khai thác rừng trái phép thì tiến hành tạm giữ người cùng tang vật để thông báo cho lực lượng Kiểm lâm xử lý. Việc nhận quản lý, bảo vệ rừng đã giúp bà con chúng tôi có thêm nguồn thu để thực hiện xây mới, sửa chữa các công trình như đường giao thông nông thôn, kênh mương, nhà văn hóa…
Tương tự, xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) cũng nhận quản lý, bảo vệ 217 ha rừng. Trước đây, việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn do ý thức của người dân còn hạn chế. Từ khi được hưởng phí bảo vệ rừng, người dân trong xóm đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến rừng. Cả xóm có trên 110 hộ dân được nhận số tiền hơn 86 triệu đồng/năm. Hằng năm, xóm tổ chức họp dân công khai số tiền nhận được và đưa ra phương án sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch.
Cũng nhờ được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà tại một số địa phương khác, cuộc sống của người dân sống bằng nghề rừng cũng dần được cải thiện hơn. Những năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng được hạn chế. Số vụ phá rừng, cháy rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ vi phạm, diện tích và số lâm sản bị thiệt hại); trên địa bàn tỉnh không còn tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 47% theo tiêu chí mới, chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015. Đến nay, Quỹ đã ký hợp đồng với 4 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, gồm: Công ty cổ phần (CP) Thủy điện hồ Núi Cốc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, Công ty CP Khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc, thu nộp hơn 8 tỷ đồng tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Quỹ đã thực hiện chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng gồm 4 chủ rừng là tổ chức Nhà nước, 2 UBND xã và 18 cộng đồng dân cư với tổng diện tích hơn 23.000ha rừng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh cho biết: Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các cấp, ngành và nhân dân đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ, phát triển rừng. Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị được chi trả dịch vụ môi trường rừng; tập trung tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.