Góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và bền vững… đó là những kết quả của việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, những năm qua huyện Đại Từ luôn chú trọng, khuyến khích người dân đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa, hoa màu của huyện Đại Từ đạt 95%. |
Trước đây, người dân Làng nghề chè xóm Văn Cường 2, xã Phú Cường, thường sao sấy chè bằng phương pháp thủ công, nên cánh chè thường to, thô, không bắt mắt, giá bán vì thế cũng rất bấp bênh…
Khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, nhiều người dân đã đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Đơn cử như anh Nguyễn Quang Minh, Giám đốc HTX chè sạch Quang Minh. Anh cho biết: Từ khi thành lập HTX, việc đầu tiên tôi thực hiện là đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thay thế các loại tôn đen, máy vò đã cũ, năng suất thấp bằng các loại máy hiện đại: Tôn sao inox công suất lớn, máy vò mới, máy hút chân không… Nhờ vậy, cánh chè nhỏ, nước xanh, ngọt hậu lại không hề có mùi oi khói.
Không dừng ở đó, hiện HTX chè sạch Quang Minh đang thử nghiệm dùng bếp đun ứng dụng công nghệ hóa sinh khối trong chế biến chè, nhằm tăng năng suất cũng như bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cho người sản xuất.
Đại Từ hiện có hơn 6.600ha chè, việc cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, chế biến chè sẽ nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Bên cạnh việc người dân chủ động đầu tư máy móc, thiết bị, thời gian qua, huyện có nhiều hỗ trợ trong lĩnh vực này. Từ năm 2016 đến nay, địa phương đã triển khai hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm cho gần 530ha chè với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ tôn sao chè bằng ga cho hơn 20 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh, doanh doanh chè với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 19.000 tôn sao chè có động cơ; hơn 150 tôn sao chè bằng ga, điện; trên 18.000 máy vò chè; hơn 4.000 máy đốn chè; gần 300 máy hút chân không…
Không chỉ ứng dụng máy móc, thiết bị vào chế biến chè, các khâu làm đất cho tới thu hoạch lúa, hoa màu cũng dần được cơ giới hóa với nhiều loại máy móc như: Máy kéo, máy vận chuyển nông sản, máy cày, xới đất, máy gặt lúa dải hàng, máy gặt đập liên hoàn, thiết bị gieo hạt…
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đã đạt 95%; khâu bảo quản, chế biến nông sản chiếm 90%. Hiệu quả thể hiện rõ rệt khi nông dân tiết kiệm được thời gian, sức lao động, chất lượng cũng như năng suất nông sản tăng lên.
Anh Ma Văn Truyền, xóm Lưu Quang 5, xã Minh Tiến, cho biết: Gia đình tôi thu nhập chính từ làm nông nghiệp. Với trên 1 mẫu ruộng, mỗi khi thu hoạch tôi cần đến 15 công và phải mất 4-5 ngày mới thu hoạch xong, lại rất vất vả. Năm 2018, tôi đầu tư trên 200 triệu để mua máy gặt đập liên hoàn, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ là cả thửa ruộng lớn được gặt xong, thóc được đóng bao ngay tại ruộng. Sau đó, tôi tiếp tục mua thêm máy cày, bừa, vừa phục vụ việc đồng áng của gia đình, vừa làm dịch vụ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở đã tích cực áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín với máng ăn, uống tự động, hệ thống làm mát, sưởi ấm… Tỷ lệ cơ giới hóa trong chế biến thức ăn chăn nuôi đạt 100%; cho ăn, uống tự động đạt khoảng 50%...
Người dân xã Ký Phú đầu tư máy ép thủy lực để làm miến dong. |
Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, nhận định: Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ đảm bảo kịp thời vụ, giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm thời gian, công lao động mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Đồng thời đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tạo tiền đề để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; nhất là trong bối cảnh lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng thiếu hụt, diện tích gieo trồng ở một số nơi giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phục vụ các dự án…
Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã, đang huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hoàn thiện giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để đưa các loại máy móc vào phục vụ sản xuất.
Đến nay, nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn của huyện bước đầu hình thành, như: Vùng trồng cây ăn quả ở xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu, xã Tiên Hội; vùng chè ở La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên; các trang trại ở xã Tân Linh, Cát Nê…
Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hiện đạt khoảng 132 triệu đồng (tăng trên 5 triệu đồng so với năm 2020). Hàng năm, các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp của Đại Từ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin