Những năm gần đây, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có bước phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là sử dụng hiệu quả tiềm năng đất, khai thác thế mạnh của địa phương, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gia đình anh Lê Thế Huy, xóm Ngòi Chẹo, xã Nam Hoà, duy trì nuôi hơn 1.000 đôi chim bồ câu bố mẹ cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. |
Toàn huyện Đồng Hỷ hiện có 115 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Trong đó có 17 trang trại chăn nuôi nuôi lợn, 89 trang trại chăn nuôi gà, 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò và 6 trang trại nuôi kết hợp.
Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Các trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, vốn, kỹ thuật; bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị kinh tế theo hướng nông sản sạch, tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với các kênh phân phối để sản xuất sản phẩm có giá trị chất lượng cao cung cấp ra thị trường.
Đến trang trại nuôi lợn theo mô hình liên kết của gia đình bà Trần Thị Tuất, tổ 4, thị trấn Sông Cầu, chúng tôi nhận thấy, thực hiện theo mô hình liên kết, đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại luôn ổn định. Trang trại của gia đình bà Tuất quy có mô chăn nuôi khoảng 3.000 con/lứa, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng.
Bà Tuất cho biết: Để kinh tế trang trại phát triển bền vững, ngoài các yếu tố về đất đai, vốn, kỹ thuật, việc tìm đầu ra cho sản phẩm rất quan trọng. Muốn có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, trang trại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối tác yêu cầu. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trang trại của gia đình tôi đã đảm bảo các điều kiện liên kết với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Xinan Hải Dương - một đơn vị chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức mạng lưới gia công chăn nuôi gia cầm, gia súc và chế biến sản phẩm chăn nuôi để xuất khẩu.
Nhiều năm trước, gia đình chị Lê Hồng Thái ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, gia đình chị đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi gà với gần 10.000 con theo hướng chăn nuôi an toàn.
Chăn nuôi theo hình thức này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, mà còn cho thu nhập cao, ổn định. Các biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh được chú trọng, nên vật nuôi luôn khỏe mạnh. Chị Thái chia sẻ: “Bước đầu sẽ tẩy chuồng trại và tuân thủ đủ thời gian cách ly, sau khi bước vào chăn nuôi thì tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Tới đây, chúng tôi sẽ chăn nuôi theo hướng VietGAP”.
Có thể thấy, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại đã giúp nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Đặc biệt, phát triển kinh tế trang trại tại huyện Đồng Hỷ luôn gắn với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi đặc trưng, chủ lực và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nhiều trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong tổng số 115 trang trại hiện nay của Đồng Hỷ, 70 trang trại có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất, kinh doanh bình quân một trang trại là 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho từ 2-3 lao động/trang trại. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại trên địa bàn huyện Đồng Hỷ năm 2022 đạt trên 412 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP, hạn chế tối đa dịch bệnh. Đồng thời mở lớp đào tạo, tập huấn cho chủ các trang trại với nội dung về quản lý và hạch toán kinh tế trang trại, ứng dụng chuyển đổi số, đưa công nghệ vào sản xuất, kinh doanh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin