Chè từ lâu là cây trồng “mũi nhọn” ở xã Phú Cường (Đại Từ). Thay vì chủ yếu xuất bán búp tươi cho các đầu mối ở TP. Thái Nguyên, những năm gần đây, người dân Phú Cường đã mở các xưởng chế biến chè tại nhà, liên kết các hộ dân quanh vùng để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm chè địa phương.
Gia đình ông Trần Tất Dùng ở xóm Na Mấn là một trong những hộ được hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo dự án "Cải tạo, chăm sóc chè". |
Dẫn chúng tôi thăm đồi chè ngay trước nhà, anh Mai Ngọc Tân, ở xóm Bán Luông, giới thiệu: Từ năm 2010 trở về trước, gia đình tôi chỉ biết thu hoạch búp tươi để bán cho thương lái dưới TP. Thái Nguyên. Làm như vậy nhanh gọn, tiết kiệm thời gian song nhiều bất cập vì phụ thuộc vào thương lái. Từ năm 2020, tôi đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua các thiết bị sao chè và 20 chiếc máy vò, máy hút chân không để sản xuất và chế biến chè. Tôi cũng vận động, liên kết với 20 hộ dân trong xóm thành lập tổ hợp tác chè với diện tích hơn 5ha. Đến nay, sản phẩm chè của Tổ hợp tác chè Bán Luông - Chè Lại Tân đã có nhãn mác, bao bì riêng, giá bán từ 300-500 nghìn đồng/kg.
Cùng với anh Tân, ngày càng nhiều người dân ở Phú Cường mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến chè và liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, xã Phú Cường có 7/10 xóm có làng nghề chè, 4 hợp tác xã (HTX), 4 tổ hợp tác và hàng trăm cơ sở chế biến chè.
Điều đáng mừng là một số đơn vị đã xây dựng thương hiệu, có sản phẩm OCOP đạt 4 sao như: HTX Chè sạch Quang Minh với các sản phẩm: Phú Ông trà, Phú Minh trà và Phú Hòa trà; hay HTX Chè Phú Cường Bắc đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm...
Sự hình thành các HTX, tổ hợp tác, cơ sở chế biến chè trên địa bàn Phú Cường vừa giúp cho các chủ thể sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, vừa giúp người dân không còn phải phụ thuộc vào thương lái như trước.
Cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất tại xã với giá cả hợp lý, bà con càng ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng chè ngay từ khâu chăm sóc, thu hái. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng xóm kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Na Mấn, vui vẻ nói: Xóm có 108 hộ, toàn bộ đều làm chè. Giờ ai cũng phấn khởi, nhờ cây chè mà đời sống ngày càng khấm khá. Như gia đình tôi, mỗi lứa thu được 3 tạ chè búp tươi, chủ yếu bán cho các cơ sở sản xuất tại xã, giá từ 30-35 nghìn đồng/kg.
Chị Lý Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường, cho biết: Toàn xã có hơn 800 hội viên nông dân, đa phần đều có diện tích trồng chè. Khác với trước, tư duy, thói quen canh tác, chế biến chè đã có nhiều thay đổi. Thay vì đơn lẻ sản xuất, bà con đã bắt tay liên kết với nhau cùng phát triển; tập trung nâng cao chất lượng chè theo quy trình VietGAP, chuyển dần từ bón phân hoá học sáng phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh thảo mộc để trừ sâu thay cho thuốc hóa học.
Cây chè được trồng trên đất Phú Cường từ lâu và phát triển mạnh khoảng hơn chục năm trở lại đây. Hiện, toàn xã có hơn 270ha chè, trong đó chè kinh doanh là 240ha, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha. Những năm qua, để giúp người dân “sống khoẻ” từ cây trồng chủ lực này, Hội Nông dân xã triển khai nhiều giải pháp như: Vận động hội viên tham gia vào các HTX, tổ hợp tác và làng nghề chè truyền thống, hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; triển khai 2 dự án về “Cải tạo, chăm sóc chè” cho 25 hộ dân xóm Văn Cường 3 và Na Mấn với tổng nguồn vốn 800 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho bà con; triển khai các mô hình ô mẫu phân bón hữu cơ, hỗ trợ phân bón theo hình theo thức trả chậm, tập huấn khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến chè cho người dân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin