Chàng thanh niên tật nguyền giàu nghị lực

08:32, 16/01/2008

Mặc dù bị tật nguyền bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, anh Dương Văn Bình, SN 1976, xóm La Đình, xã Tân Quang, T.X Sông Công vẫn cố gắng vươn lên trong học tập, lao động và đã bước đầu thành công với ước mơ làm chủ cửa hàng sửa chữa điện tử tại quê nhà.

Bình sinh ra trong một gia đình cả bố, mẹ làm công nhân. Bố Bình là thương binh hạng 1/4 và bị nhiễm chất độc da cam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bình cũng bị mắc căn bệnh quái ác này từ người cha. Từ khi lọt lòng, Bình bị gù nặng, hai bàn chân quay hẳn về phía sau, không có khả năng đi lại như những đứa trẻ bình thường. Nhưng bù lại, Bình có được cha, mẹ rất mực thương con. Bình cũng sớm có được nghị lực phi thường từ khi lên 4, 5 tuổi.

Mẹ Bình tâm sự: Khi mới được vài tháng tuổi, Bình đã phải theo mẹ rong duổi khắp các bệnh viện ở Hà Nội. Do nhà nghèo, không có tiền nằm viện nên mẹ con Bình thường phải đi khám, chữa bệnh trong ngày. Lên 6 tuổi, Bình “đòi” đến trường dù rằng việc đi lại, học hành rất khó khăn. Bố công tác xa nhà, mẹ thì đi làm ngược đường nên Bình phải tự mình đến trường. Hồi đó, nhà Bình ở khu tập thể phố Hương, thuộc phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên). Ngày nào cũng vậy, Bình phải “bò” đến trường bằng cả 2 tay, 2 chân. Từ nhà đến trường hơn 2 km nên bao giờ Bình cũng phải xuất phát trước giờ vào lớp ít nhất là 1 giờ 30 phút. Con đường đến trường lởm chởm sỏi đá nên chân, tay Bình lúc nào cũng bị trầy xước, rớm máu. Ấy vậy mà, cậu học trò tật nguyền này chưa một lần trốn học, cũng như chưa bao giờ đi học muộn. Bình luôn được thầy cô giáo tuyên dương trước toàn trường về nghị lực và tinh thần hiếu học.

Tốt nghiệp THPT năm 1996, Bình thi vào trường Dạy nghề dành cho người tàn tật ở huyện Sơn Tây (Hà Tây). Sau hơn 2 năm học ở đây, Bình tiếp tục xin theo học hơn 1 năm ở xưởng Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cũng trong khoảng thời gian này, Bình đã phải trải qua 4 đợt phẫu thuật để xoay 2 bàn chân trở lại bình thường. Sức khoẻ vốn đã không tốt, giờ lại càng giảm sút nhiều hơn. Đến giờ, mỗi khi trái nắng, trở trời, toàn thân Bình lại đau ê ẩm. Nhưng những khó khăn ấy đã không ngăn được những dự định, hoài bão của Bình. Bình nhớ: Năm 2002, khi bắt đầu vào nghề, Bình chẳng có gì ngoài mấy dụng cụ làm nghề đơn giản; cửa hàng cũng phải đi thuê, số tiền kiếm được không đủ để trả tiền thuê nhà. Có lúc, Bình thấy nản lòng nhưng rồi Bình lại tự an ủi muốn tự nuôi mình và giúp được gia đình thì phải khắc phục khó khăn. Bình mơ ước được làm chủ một cửa hàng sửa chữa điện tử có uy tín.

Thương con, bố mẹ Bình cố gắng gom góp, vay mựơn tiền bạc của người thân và Ngân hàng để mua đất, xây cho Bình một cửa hàng nho nhỏ gần đường. Vốn cẩn thận, lại thông minh, chịu khó, dần dần Bình được bà con trong xã và cả những xã lân cận tin tưởng, mang đồ đến sửa. Vào những tháng hè và giáp tết, thu nhập của Bình đạt tới 3-4 triệu đồng/tháng. Với số tiền kiếm được, Bình còn lo được cả tiền đóng học cho cô em gái đang là sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Tuy không kể, nhưng tôi biết, Bình vừa mua tặng em gái chiếc mô tô hiệu Sirius trị giá gần 17 triệu đồng để khi ra trường, em Bình đi làm đỡ vất vả. Đến giờ, số tiền kiếm được, Bình đầu tư vào cửa hàng đã lên tới trên 30 triệu đồng. 5 năm qua, Bình dạy thành nghề cho 5 người, trong đó có 2 người có hoàn cảnh giống Bình được Bình dạy miễn phí.

Với những nỗ lực của bản thân, tháng 4-2007, Bình đã vinh dự được nhận Bằng khen của Hội bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập từ năm 2004-2006.

Chia tay Bình, lời tâm sự của Bình còn đọng mãi: Nếu được vay 100 triệu đồng, mình sẽ ngay lập tức mở rộng cửa hàng để nhận dạy cho những ai muốn theo học nghề này. Và với những người tật nguyền, mình sẽ miễn phí cho họ.