Ở Khu điều trị phong Phú Bình (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Da liễu Thái Nguyên), từ các cán bộ đến những bệnh nhân điều trị nội trú đều biết đến anh Trần Duy Vượng. Với đôi tay tài hoa của mình, anh Vượng đã làm ra được những đôi dép phù hợp với những bàn chân đặc thù của mỗi bệnh nhân.
Anh tâm sự: "Thông thường, bệnh nhân tự mua và sử dụng những đôi dép bày bán trên thị trường nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị cũng như sinh hoạt của người bệnh. Hơn nữa, bàn chân của bệnh nhân bị mất cảm giác, nếu các đồ sắc nhọn đâm vào chân sẽ gây viêm nhiễm rất nhanh. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị rơi dép dọc đường lúc nào không biết”. Điều này khiến anh ngày đêm trăn trở nghĩ cách khắc phục để bệnh nhân đi lại thuận tiện hơn, đồng thời để phục vụ cho việc điều trị bệnh.
Thật may,tháng 8/2002, Hiệp hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan tài trợ cho những người công tác tại các Khu điều trị bệnh phong đi tập huấn phục hồi chức năng tại Trại phong Quy Hoà (Quy Nhơn, Bình Định), anh Vượng là một trong những người may mắn đó. Tại đây, anh đã được học nghề làm chân tay giả và thiết kế giày, dép cho những bệnh nhân phong. Khi anh học xong cũng là lúc Hiệp hội cứu trợ phong Hà Lan tài trợ xây dựng tại Khu điều trị phong Phú Bình một phòng làm giày, dép, chân tay giả với đầy đủ thiết bị như: Máy khâu, máy mài, máy cắt... Với kiến thức đã được học, anh Vượng cặm cụi vừa làm, vừa tích luỹ kinh nghiệm để thiết kế và làm những đôi dép đặc thù cho mỗi bệnh nhân, tính ra cũng phải đến cả chục công đoạn như: Đo chân, tạo mẫu, may quai, mài đế, lắp quai... Anh cho biết, nếu như làm cật lực cũng chỉ làm được khoảng 10 đến 12 đôi dép/tháng do bàn chân của người bệnh không ai giống ai. Có người bàn chân còn đủ cả 5 ngón, có người lại bị cụt đến tận gần mắt cá chân.
Bà Nguyễn Thị Phúc (78 tuổi), bệnh nhân điều trị tại đây đã lâu cho biết: "Trước đây, mọi người rất ngại phải đi lại, nhưng nhờ có đôi dép mà anh Vượng làm cho nên sự ngại ngần đó đã không còn”.
Khu điều trị bệnh phong Phú Bình hiện có 125 bệnh nhân nhưng anh Vượng vẫn nhớ hết được họ tên, tuổi, cũng như đặc thù bàn chân của từng người. Sau 5 năm làm dép, hàng trăm đôi dép đã được đôi bàn tay khéo léo của anh làm ra. Vật dụng tưởng trừng rất đơn sơ này nhưng ẩn chứa trong đó biết bao tình thương và trách nhiệm của người cán bộ Khu điều trị phong Phú Bình đối với mỗi bệnh nhân nơi đây.