Gặp người nông dân tự chế tạo máy gieo lúa

16:08, 24/09/2008

 Đó là ông Lâm Văn Sinh, 51 tuổi, người dân tộc Nùng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ).

Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở mạn rừng heo hút này đã tự nghiên cứu, và tự chế tạo được chiếc máy gieo lúa nước thành công.So với nhiều người khác trong vùng, ông có thuận lợi hơn khi lập nghiệp. Năm 1980, sau khi xây dựng hạnh phúc với cô giáo trường làng, bà Hoàng Thị Nam, dòng tộc họ Lâm xúm lại dựng cho vợ chồng ông một ngôi nhà sàn 3 gian, kèm theo là hơn 6.000 m2 đất ruộng và hơn 8.000 m2 đất vườn bãi.

 

Vợ là cô giáo, việc trường lớp bận rộn nên không giúp được nhiều cho ông.  Để mùa vụ không bê trễ, ông lăn lưng ngoài đồng, hết đổi công cho bà con lối xóm lại quay về làm ruộng, nương của nhà. Sau này, phong trào giúp nhau đổi công cũng không được duy trì, việc thuê mướn người cấy cũng rất khó khăn, vậy là ông mang thóc đi ngâm - ủ, rồi mang ra ruộng gieo thẳng hàng. Lúa không chụm khóm, khi làm cỏ, chăm sóc đợt 1 nhiều chỗ phải nhổ lên cấy lại, do vậy công sức lao động không giảm, năng suất lúa không cao, ông trở lại với cách làm truyền thống là gieo mạ, nhổ mạ rồi gánh ra đồng cấy.

 

Mùa vụ mệt nhoài, nhưng Lâm Văn Sinh ít được có giấc ngủ ngon. Ông mơ ước mình có được một chiếc máy cấy để giảm bớt sức lao động cơ bắp. Đằng đẵng hơn 3 năm trời (2000 - 2003), giấc mơ của ông đã trở thành hiện thực. Mà ông bụt trong cổ tích hiện về giúp ông biến ước mơ thành hiện thực - đơn giản từ chiếc ti vi trong nhà. Một lần, ông thấy kênh truyền hình Việt Nam đưa tin về việc gieo xạ lúa của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng máy, hình ảnh chiếc máy gieo hạt lúa nước nhanh chóng "lưu vào bộ nhớ", vậy là ông bắt đầu mày mò, nghiên cứu, tìm vật tư lắp ráp máy gieo hạt, gồm: Bánh xe 2 bên, giữa có trục và hộp đựng hạt giống, phía trước có dây kéo… Ông nghĩ, phải làm ra cái máy gieo lúa thật nhẹ thì mới giảm được công sức. Vậy là làm, ông không nhớ đã làm mất bao nhiêu thời gian để chế tạo, lắp ráp thành công chiếc máy này. Nhưng lần đầu đưa máy xuống ruộng, ông thất bại vì bánh xe 2 bên có đường kính nhỏ, trục giữa nặng nên đưa vào ruộng chân sâu, đất có độ màu dày, bánh xe bị chìm xuống bùn, các cửa ra hạt bị bùn tràn vào, bịt kín lại.

 

Không nản, ông vác nguyên chiếc máy gieo hạt đầy bùn đất về, quẳng xuống gầm sàn, ngồi ngắm, nghĩ, với tay bẻ que củi, ông vạch xuống nền đất tính trọng lượng máy, độ lún của bùn trên ruộng, số cửa ra hạt, vòng cua của bánh xe… 3 ngày sau ông đã thiết kế được chiếc máy gieo lúa hoàn hảo hơn, với độ rộng của máy là 2 mét, bánh xe 2 bên dùng bằng vành xe đạp cũ, nhẹ và cao hơn bánh xe tự chế trước đây. Trục giữa cũng được thay thế bằng thanh sắt nhẹ hơn, hộp đựng hạt giống ông sử bằng ống nhựa có đường kính hơn 20cm, bên trong hộp giống, ông chia làm 10 cửa ra hạt, hàng cách hàng 20 cm. Điểm đặc biệt là ông Lâm tự thiết kế được cửa hạn chế cho ra hạt theo ý muốn, 2 bánh xe 1 bên được vít chết, 1 bên quay tự do nên thuận lợi trong việc quay đầu máy. Máy còn có ưu điểm chỉ nặng khoảng 7 kg, gieo lúa chụm khóm, thẳng hàng, tiện lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch. Nhờ có chiếc máy này, chỉ trong thời gian 1 ngày ông đã gieo cấy xong hơn 6.000 m2 đất ruộng, thay vì trước kia phải mất hơn 30 công cấy.

 

Để chủ động việc trồng cấy, ông cùng bà con trong xóm lên núi Lát Bằng bắc ống dẫn nước về nhà, rồi xây thêm bể chứa lớn trên một góc đồi, lắp đặt thêm hơn 1.000 m đường ống ngầm dẫn nước từ bể ra đồng. Nhờ sức đẩy của nước, ông có thể điều hoà được nước tưới, phân bón cho cây trồng ngay ở nhà. Ông cho biết: Mỗi năm gia đình ông thu hoạch 7 tấn lúa, 1 tấn ngô, ngoài ra còn nuôi 1 con hươu lấy nhung, 6 đàn ong lấy mật, 100 con gà thả vườn, đàn dê 30 con, 360m2 ao thả cá và 3.600 m2 đất chè… tổng thu nhập đạt hơn 70 triệu đồng/năm. Gia đình ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"; gia đình kiểu mẫu và Sở Văn hoá- Thông tin tặng Bằng công nhận gia đình văn hoá cấp tỉnh.