Mỗi năm xuất bán 70 vạn cây giống chè... doanh thu đạt trên 200 triệu đồng, gia đình chị Đào Thị Bích Hằng, tổ 26, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái nguyên) đã làm giàu từ nghề ươm chè.
Vừa xuất 70 vạn cây chè giống cho các hộ trồng chè, chị Hằng đã bắt tay ngay vào làm lán trại để chuẩn bị ươm vụ tiếp theo. Chị cho biết: Kỹ thuật ươm chè đòi hỏi rất ngặt nghèo, cẩn thận, bắt đầu là khâu làm lán trại, yêu cầu độ cao lán phải đạt 2,5m, có khung lưới đen để có độ thông thoáng lại tránh được bức xạ của mặt trời và có tác dụng chống sương. Đầu tháng 11 bắt đầu làm đất, phải lấy đất đỏ thịt ở độ sâu 50cm trở xuống, yêu cầu đất phải sạch, không lẫn rễ cây. Sau đó về sàng nhỏ, đóng bầu, trước khi cắm hom phải phun thuốc khử trùng và tưới đẫm nước. Sau 20 ngày, lại tiếp tục phun thuốc khử trùng. Sở dĩ phải phun thuốc khử trùng nhiều lần là để tránh các loại nấm xâm nhập làm hỏng cây. Quá trình ươm chè mất 1 năm, hiện nay, tỷ lệ thành công trong việc ươm chè của chị đạt 80-95%.
Về những ngày đầu bước vào nghề, chị Hằng tâm sự: Không được đào tạo qua trường lớp, nhưng từ khi còn là con gái, tôi đã thích mày mò tìm hiểu cách tạo sự sống cho cây, cở. Mỗi khi gặp khó khăn tôi lại tìm sách, báo để tham khảo. Dần dần, tôi đã tích luỹ được một số kinh nghiệm. Năm 2000, tôi bắt đầu nghề ươm chè và chiết các loại cây ăn quả như: Hồng, nhãn, vải, bưởi... Với suy nghĩ: Chè là cây mũi nhọn của Thái Nguyên, vì vậy tôi cũng lấy nó là cây mũi nhọn cho nghề của mình. Tôi đã học hỏi thêm các kỹ sư ở Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên để nâng cao kỹ thuật ươm chè giống. Ban đầu tôi chỉ ươm mỗi năm 20 vạn cây, tỷ lệ thành công đạt khoảng 70%. Sau mỗi lứa, tôi lại rút ra kinh nghiệm để áp dụng cho lứa sau, dần dần tỷ lệ thành công đã đạt 80-95%. Đến nay, mỗi năm tôi xuất bán 70 vạn cây, chủ yếu là các giống: Phúc Vân Tiên, Lai 1, Lai 2, Keo Am Tích, Kim Tuyên, TRI 777... với doanh thu đạt trên 200 triệu đồng.
Cùng với việc có kỹ thuật cao trong ươm chè, chị còn có dịch vụ tốt phục vụ tận nơi cho khách hàng, thậm chí miễn phí cho những hộ ở vùng sâu, vùng xa, hộ khó khăn, hoặc khách hàng mới đến lấy hàng ở cơ sở của chị. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của chị ngày càng được mở rộng, đến nay không chỉ có các khách hàng trong tỉnh mà còn mở rộng ra những các hộ các tỉnh như: Tuyên Quang, Lạng Sơn...