Đó là ông Trần Chiến Công, xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh (Phú Lương). Ông đã cùng vợ con trồng được gần 10 ha rừng sản xuất và gần 2.000 m2 cây Giảo Cổ Lam, sơ chế lá, ngọn làm nguyên liệu bán cho Công ty dược Hà Nội làm thuốc chữa bệnh.
Vùng đất Đồng Phủ quê ông rộng rãi, nhưng trước đây bà con nông dân chỉ biết khai phá đất làm ruộng, làm rẫy nên cây lúa, cây ngô không đủ hạt nuôi người. Như gia đình ông Công, với 2 mẫu đất lúa, mỗi năm cho thu hoạch chừng 2 tấn, nhưng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Năm 1992, sau khi được tham gia 1 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, ông đã mạnh dạn bỏ tiền mua hơn 1.000 bầu cây mỡ giống về trồng trên khoảnh nương gần nhà. Cây phát triển nhanh, chỉ 2 năm sau đã to bằng bắp chân người lớn.
Vậy là ông vận động vợ con cùng lên khu đồi Khe Cằn, đồi Suối Hang phát lau sậy, đốt dọn bãi lấy đất trồng rừng. Để có vốn, ông dành dụm từ tiền chăn nuôi lợn hằng năm, đồng thời đi mua trâu về vỗ béo bán lấy tiền đầu tư mua cây giống về trồng rừng. Đến năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư vốn làm vườn ươm cây giống, với quy mô hơn 10 vạn cây/năm. Cũng năm đó, ông trồng được thêm 3 ha rừng keo lai. Bà con trong vùng thấy ông trồng nhiều rừng cũng tích cực rủ nhau làm theo. Từ đó, ông trở thành người hướng dẫn cho bà con trong xóm cách trồng, chăm sóc rừng. 5 năm nay, gia đình ông đã cung ứng được gần 50 vạn bầu cây giống keo lai, mỡ và bạch đàn... cho nông dân trong vùng.
Đưa chúng tôi đi thăm rừng, ông bảo: Mỗi năm trồng một ít, đến nay tôi có gần 10 ha rừng, trong đó có gần 3 ha rừng keo lai Úc. Năm 2007, tôi đã bán 2 ha rừng cây mỡ, thu được một khoản tiền 70 triệu đồng. Ban đầu, mình tham đất, trồng dầy, rừng tốt nhưng trữ lượng gỗ thấp nên giá trị kinh tế không cao. Năm 2008, tôi rút kinh nghiệm, trồng thưa cây như hướng dẫn của cán bộ khuyến lâm, nên số diện tích rừng trồng mới của năm nay phát triển rất nhanh, chỉ sau chưa đầy năm, cây nào cũng đã cao vượt đầu người. Ông cho biết thêm: Vùng đất Đồng Phủ rất phù hợp với một số loài cây dược liệu, từ năm 2007, tôi đầu tư vốn trồng thử nghiệm cây thuốc Giảo Cổ Lam, đây là loài cây có công dụng chữa bệnh tiểu đường, ưa khí hậu lạnh của mùa Đông.