Bác sĩ của quê nghèo

09:27, 25/02/2009

17 năm tận tâm, tận lực trong việc cứu chữa người bệnh ở địa phương, vợ chồng bác sĩ Hoàng Văn Toán, Lê Thị Nga được nhân dân ở vùng quê Minh Tiến, Đại Từ dành trọn niềm tin yêu.

Đầu giờ sáng, hai phòng khám bệnh của Trạm y tế xã Minh Tiến (Đại Từ) đã đông kín người. Các bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đứng cả ra sân. Nhiều người còn đang phủi bụi áo mưa vì từ xa đến. Đã hẹn trước, nên bác sĩ Hoàng Văn Toán sắp xếp công việc rồi tranh thủ đưa chúng tôi về thăm nhà và trò chuyện. Ngôi nhà sàn xinh xắn của vợ chồng anh ở phía bên kia đường, đối diện với Trạm y tế xã. Trạm y tế chỉ có diện tích 600 m2, vừa đủ xây 2 phòng khám, 6 phòng điều trị và có một khoảng sân nhỏ. Bên nhà anh, nổi bật nhất là vườn thuốc nam xanh tốt, mát mẻ. Anh Toán giới thiệu khá kỹ với chúng tôi về các loại cây thuốc trong vườn, tất cả đều dành cho bệnh nhân, không bán.

 

Rồi câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ việc anh Toán cùng bạn gái xung phong về công tác ở vùng đất "khỉ ho, cò gáy" quê anh - xã Minh Tiến. Năm 1990, anh Toán và chị Lê Thị Nga (vợ anh) cùng tốt nghiệp Đại học Y khoa Bắc Thái. Với kết quả học tập tốt, anh được nhà trường giữ lại làm giảng viên, chị cũng đã tìm được công việc tại một cơ sở chữa bệnh ở T.P Thái Nguyên. Số phận tưởng như đã an bài, cho đến khi anh về thăm quê trước khi nhận việc, biết chàng trai này đã là bác sĩ, người dân cáng đến nhà một sản phụ bị băng huyết, không được xử lý kịp thời, đã mất quá nhiều máu. Anh Toán đành bó tay  mà trong lòng day dứt không nguôi. Ngày đó, ở quê anh người dân vẫn duy trì hủ tục từ bao đời nay là nhờ thầy mo cúng ma trừ bệnh. Người ốm hầu như không biết đến thuốc chữa bệnh là gì. Nhiều phụ nữ bị chết oan uổng khi sinh nở. Người bị tiêu chảy, sốt rét không được xử lý kịp thời cũng có thể dẫn đến thiệt mạng... Một tháng chờ nhận việc đã khiến anh có một quyết định mới: Về công tác ở Liên cụm y tế cộng đồng xã Minh Tiến (là Trạm y tế Minh Tiến hiện nay).

Bồi hồi nhớ lại chuyện cũ, chợt anh quay sang tôi nói:

 

- Đến giờ, tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn và không ân hận điều gì.

 

- Vậy ngày ấy anh thuyết phục chị Nga cùng về quê công tác có khó không? Tôi hỏi.

 

- Cũng không khó lắm đâu. Cô ấy có trái tim rất nhân hậu. Tôi yêu và nể cô ấy cũng vì thế...

 

Đến năm 1992, Liên cụm y tế cộng đồng giải thể, Trạm y tế xã Minh Tiến được thành lập, anh Toán được bầu làm Trạm trưởng từ đó đến giờ. Ngày ấy, khó khăn chồng chất khó khăn. Liên cụm y tế cộng đồng giải thể để lại chút vốn cỏn con là 200 nghìn đồng, lại chuyển từ chế độ bao cấp sang chế độ tự chi trả tiền thuốc. Cả Trạm chỉ có 1 bác sĩ có lương, đời sống khó khăn, khiến hoạt động của Trạm rất phân tán. Không lùi bước, anh chị động viên nhau cố gắng. Vừa phát triển chăn nuôi, trồng trọt để đảm bảo cuộc sống, anh chị vừa cùng tìm hiểu, nghiên cứu hoạt động của các trạm y tế xã khác, rồi nhiều đêm chong đèn suy nghĩ để tìm cách quản lý và duy trì hoạt động của Trạm được hiệu quả.

 

Thuận vợ, thuận chồng, anh chị đã tìm ra hướng đi đúng cho Trạm y tế xã Minh Tiến bằng cách luôn chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ và y đức của đội ngũ y, bác sĩ. Các bệnh mà đồng bào dân tộc nghèo hay mắc phải như nhiễm khuẩn hô hấp (viêm phổi, họng, phế quản), nhóm bệnh về đường tiêu hóa (giun, sán, đại tràng), vấn đề sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình… anh và chị Nga đều có thể giải quyết tốt. Những trường hợp Trạm y tế xã không đủ khả năng và phương tiện để cứu chữa đều được sơ cứu, xử lý ban đầu, sau đó kịp thời chuyển lên tuyến trên. Dần dần những tâm huyết của anh, chị đã được đền đáp bằng sự tin yêu của người dân xã Minh Tiến và các xã lân cận. Nếu năm 1993 chỉ có trung bình 3 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh/ngày thì đến nay có gần 50 lượt bệnh nhân/ngày. Người dân địa phương đã thay đổi hẳn tư duy về cách chăm sóc sức khỏe, cả xã không còn gia đình nào cúng ma khi có người ốm nữa.

 

Công tác phòng dịch cũng đạt được hiệu quả cao. Nếu như năm 1991, các y, bác sĩ phải đạp xe khắp xã để vận động bà con tiêm phòng, tiêm chủng thì hiện nay bà con tự xếp hàng để chờ đến lượt tiêm. Năm 1995, các y, bác sĩ ở đây phải tự đào gờ, trồng găng làm hàng rào, quét vôi cho nhà trạm y tế thì đến năm 1997, người dân dù còn nghèo nhưng cũng nhiệt tình đóng góp thêm tiền và ngày công lao động ủng hộ bác sĩ Toán xây hàng rào, làm lại sân của Trạm. Đời sống của 4 y, bác sĩ và 1 kế toán của Trạm cũng được nâng lên, thu nhập trung bình khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng. Anh Toán và chị Nga nhiều năm được Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm 2008 vừa qua chị Nga được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...

 

Chúng tôi quay trở lại Trạm y tế xã thì đã quá trưa, nhưng vẫn thấy chị Nga đang khám cho bệnh nhân Đặng Duy Nhâm, 84 tuổi, ở mãi xã Trung Lương (Định Hóa). Cụ Nhâm vui vẻ nói: - Đến đây, được các bác sĩ như cô Nga, chú Toán khám, chữa bệnh, tôi yên tâm lắm. Họ thật xứng đáng là những “lương y như từ mẫu” với nhân dân mấy xã trong vùng này.