Gặp người có thành tích đặc biệt trong thực hiện giải phóng mặt bằng

15:19, 03/02/2009

Đó là cụ Lê Văn Hơn, ở xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành (Phổ Yên). Tuổi cao, là bố liệt sỹ Lê Đức Sơn, bản thân lại bị liệt từ 4 năm nay nhưng bằng sự kiên quyết của người đảng viên Cộng sản, cụ Hơn đã vận động gia đình thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của địa phương.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, người đảng viên với 87 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng xúc động đưa cho chúng tôi xem thư tay khen ngợi của đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Huyện uỷ Phổ Yên biểu dương cụ vì đã có thành tích đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp (KCN) Trung Thành. Việc làm của cụ là hình ảnh đẹp đáng để nhiều người học tập, noi theo.

 

Kể cho chúng tôi nghe về tấm gương sáng của đảng viên cao tuổi Lê Văn Hơn, đồng chí Cao Xuân Thu, Bí thư Đảng uỷ xã Trung Thành cho biết: Dự án KCN Trung Thành của nhà đầu tư Đài Loan được triển khai trên địa bàn xã hơn 1 năm nay với tổng diện tích gần 50 ha. Mục tiêu phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư vào quý I năm nay, nhưng trước đó dự án còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, nhất là việc di dời hơn chục ngôi mộ chưa đến thời gian cải táng.

 

Để có thể hoàn thành mục tiêu xã Trung Thành đã đẩy mạnh công tác vận động nhân dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, trong đó có việc vận động các hộ dân di chuyển những ngôi mộ chưa cải táng nằm trong quy hoạch KCN. Ban Thường vụ Đảng uỷ, khối Dân vận của Đảng uỷ xã đã tới từng gia đình làm công tác tư tưởng, động viên 12 hộ dân có 13 ngôi mộ chưa cải táng di chuyển mộ phần trước Tết âm lịch với cơ chế hỗ trợ di dời mới theo chỉ đạo của UBND huyện Phổ Yên là gần 3 triệu đồng/ngôi mộ chưa cải táng. Gia đình đồng chí Lê Văn Hơn có phần mộ của vợ là cụ bà Vũ Thị Biệu mất được 3 năm nay, chưa đến thời gian cải táng. Theo phong tục của người dân địa phương thì mộ phần phải có thời gian ít nhất là 4 năm trở lên mới được cải táng. Thêm nữa, trong họ nội tộc của đồng chí Hơn, 3 năm trở lại đây đều có người mất mà gần đây nhất là người cháu con ông em mất tháng 12/2008. Do suy nghĩ của mọi thành viên trong gia đình, họ tộc theo phong tục từ xưa, gia đình không đồng ý cải táng di chuyển mộ cụ Biệu. Nếu cần thiết phải giải phóng mặt bằng cho dự án thì gia đình xin để 100 ngày sau việc tang vừa qua trong họ, tức là sang tháng 4/2009 (tháng 3 âm lịch) thì sẽ chuyển mộ phần. Đây thực sự là khó khăn trong công tác vận động chung ở địa phương.

 

Sau khi tập thể lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ xã, các đoàn thể tới thăm và động viên, với ý thức của người đảng viên cao tuổi mẫu mực, đồng chí Hơn đã vận động gia đình, con cháu thực hiện di chuyển mồ mả của gia đình nằm trong quy hoạch KCN. Đồng chí Hơn cũng yêu cầu con cháu mời đại diện trong họ tộc, có cả người em có con vừa mất 1 tháng để giải thích, đồng thời kiên quyết yêu cầu con, cháu thực hiện cải táng, di dời mộ phần cụ Vũ Thị Biệu trước Tết Nguyên đán. Đồng chí Hơn đã nói: "Bố là đảng viên, còn sống là chỉ biết thực hiện chủ trương của Đảng, không thể làm trái" để răn dạy các con. Nhưng các con trong gia đình đồng chí không đồng ý. Giận người thân trong gia đình, tủi hờn khi nghĩ đến trách nhiệm của người đảng viên chưa làm tròn, cụ Hơn không cảm thấy đói và đã nhịn ăn trong vòng 3 ngày 2 đêm...

 

Nhớ lại những ngày bố chồng nhịn ăn phản đối con cháu, không cầm nổi những giọt nước mắt, chị Đào Thị Hiệp là con dâu cụ Hơn thổn thức: Tôi về làm con dâu cụ đến nay được hơn 30 năm. Tính tình cụ như thế nào tôi hiểu rõ. Thương con, thương cháu đấy nhưng cụ đã quyết làm cái gì thì phải làm bằng được. Sau khi bố giận, bữa cơm đầu tiên bưng lên cụ không ăn, bảo tôi mang cho anh con trưởng ăn hộ. Đến bữa chiều mang lên cụ lại bảo mang cho anh con trai thứ  ăn hộ… Sự việc diễn ra như vậy trong 3 ngày, 6 anh chị em là con ruột của bố không chịu được, sợ bố nhịn ăn lỡ có điều gì xảy ra hối hận không kịp bèn nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp, khuyên nhủ cụ bớt giận...

 

Anh Lê Văn Hoà, người con trai cả của cụ Hơn cho biết: Lúc đó, tôi sợ lắm. Lỡ cụ có điều gì xảy ra, con cháu chúng tôi đều mang tiếng bất hiếu, xấu hổ với làng trên xóm dưới, với mọi người xung quanh. Trước thái độ kiên quyết của bố, gia đình tôi họp lại và hứa với bố sẽ di chuyển mồ mả của gia đình trước Tết. Nghe vậy, từ trong giường, cụ bật dậy và chọn đêm 26, rạng ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Tý gia đình thực hiện di chuyển mồ mả, bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương. Dịp này, gia đình và dòng họ chúng tôi đã di chuyển 2 ngôi mộ chưa đến thời gian cải táng gồm mộ cụ Vũ Thị Biệu và mộ cháu Lê Văn Tuấn là cháu đích tôn của dòng họ ngay trong đêm 26 tháng Chạp.

 

Những năm gần đây, huyện Phổ Yên thực hiện chủ trương lấy công tác giải phóng mặt bằng làm khâu đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Nhiều người dân đã hiến đất đai, tài sản, hoa màu để Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, các nhà máy, xí nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít dự án gặp vướng mắc trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng do một bộ phận nhân dân thiếu hiểu biết, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mình mà quên đi lợi ích của cả cộng đồng. Vì vậy, việc làm của đảng viên cao tuổi Lê Văn Hơn đã thực sự trở thành tấm gương tiêu biểu để vận động các hộ dân khác thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.