Nhiều người dân ở xã Tích Lương (T.P Thái Nguyên) gọi anh Nguyễn Thế Đạt, 26 tuổi bằng cái tên trìu mến –“Vua dế’’. Anh là người đầu tiên ở Tích Lương đầu tư nuôi dế đem lại hiệu quả, trở thành mô hình kinh tế để nhiều người học tập.
Tôi lần đường về xóm Ba Cống, nơi “vua dế'' ở. Mấy bà hàng nước cùng xã mau mắn, bảo: Cậu Đạt nhỏ người, ít tuổi, nhưng trí làm giàu thật chẳng bé tí nào... Theo chỉ dẫn của bà con lối xóm, chẳng khó khăn lắm tôi đã đến nhà “vua dế”.
Vóc người thư sinh, chân thực, cởi mở, “vua dế” hiện đang ở cùng cha mẹ già. Năm 2006, Nguyễn Thế Đạt tốt nghiệp khoa kinh tế, Trường Cao đẳng giao thông vận tải và được làm việc tại Công ty cổ phần Quản lý & Xây dựng giao thông nông thôn Thái Nguyên. Đạt mộc mạc bảo: Tiếng đi làm có lương, nhưng vẫn là thanh niên ăn nhờ bố mẹ. Một lần vào mạng internet, em thấy ở một số địa phương có mô hình nuôi dế Thái Lan, vốn đầu tư thấp lại cho thu nhập cao. Vậy là em quyết định đầu tư vào nghề mới - nuôi dế.
Con đường trở thành “vua dế” của Nguyễn Thế Đạt cũng lắm gập ghềnh. Với số tiền 2 triệu đồng tích cóp được, Đạt bắt đầu thực hiện ước mơ triệu phú. Để chắc chắn, anh liên lạc với Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, xin tư vấn về công nghệ, kỹ thuật nuôi dế giống, dế thịt. Được Giáo sư động viên, bày cách làm, lại giới thiệu cho địa chỉ cung cấp giống ở Bắc Ninh... Đầu tháng 4/2008, Đạt lên đường về Bắc Ninh, tìm đến gia đình ông Hòa (Đạt không nhớ họ gì) nói khó, nhờ ông Hòa để lại cho ít dế giống.
Chuyến đi đó Đạt mua được 150 con dế, tương đương với số tiền 1,5 triệu đồng. Đạt nghĩ: Số tiền ấy không nhỏ, nếu nuôi dế thất bại thì bản thân mình cũng được một bài học quý. Khi mang dế về đến nhà, bố mẹ Đạt cằn nhằn. Ai lại đi nuôi dế bán cho bọn trẻ con nó mua trọi nhau bao giờ?. Còn mấy người bạn thân khi biết chuyện lại bảo thằng này “điện đóm” có vấn đề. Một số người cao niên, có kinh nghiệm làm ăn trong xã thì bảo: Đây là việc làm không tưởng.
Ai nói gì, mặc kệ - Đạt nuôi dế luôn tại phòng ngủ của mình. Đêm nằm, nghe tiếng dế “cười” lích rích, Đạt bật dậy, thò tay vào chậu, vốc chúng lên xem, dế lớn nhanh như thổi. Nửa tháng sau, Đạt quyết định về Bắc Ninh mua thêm 100 con dế giống, giá 1 triệu đồng. Vậy là sau 2 tháng đầu tư nuôi dế, Đạt đã có dế giống và dế thịt bán, trung bình 1 con dế giống giá 10.000 đồng; 1 kg dế thịt bán từ 250.000 đến 300.000 đồng, số tiền thu được vừa tròn 10 triệu đồng. Như vậy, từ số tiền 2,5 triệu đồng, chỉ trong thời gian 60 ngày đã sinh lời cho Đạt 7,5 triệu đồng. Trong khi đó, dế chỉ ăn cám gạo và các loại rau, cỏ.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi dế, tháng 8/2008, Đạt xin bố mẹ thẻo đất đầu nhà làm nhà nuôi dế chứ không nuôi dế trong phòng ở như trước. Vậy là một căn nhà rộng 32 m2, trị giá hơn 25 triệu đồng được xây dựng từ tiền bán dế, Đạt tận dụng tre gỗ sẵn có của gia đình, đóng khung kệ làm nơi cho dế ở... Đạt mau mải kéo tôi vào ngôi nhà của dế, nhìn những chậu nhựa xanh, đỏ, tím, vàng đẹp mắt, trong chậu có từng đàn rế vênh râu nhìn thao láo. Đạt bảo: Nuôi dế rất nhàn, ngày 2 lần cho dế ăn cám gạo, cám gà, chút rau, cỏ và tí xíu nước. Trong chậu đặt chiếc rế cho dế bò qua lại không bị hỏng chân. Dế bắt đầu đẻ sau khi nuôi 60 ngày, đẻ liên tục từ 25 đến 35 ngày thì chết. Còn dế thịt, kể từ khi nở đến lúc xuất chuồng mất 45 ngày. Toàn bộ dế được đóng đông lạnh xuất về Hải Phòng. Nuôi dế còn một điểm hay nữa là chất thải ít, môi trường không bị ô nhiễm, có thể tận dụng diện tích như gầm giường, phòng ngủ để làm nơi nuôi dế.
Nhẩm tính, trên diện tích chăn nuôi dế hơn 30 m2, sau 10 tháng, Đạt thu được số tiền hơn 50 triệu đồng. Bà Lê Thị Hiền, mẹ Đạt bảo: Cháu nó khiêm tốn đấy, vì ngày nào tôi cũng thấy người đến hỏi mua dế. Miền xuôi có người ở Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình; miền ngược thì người ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang... Sớm hôm nay, có mấy bác nông dân ở Yên Bái về đăng ký mua 10 triệu đồng tiền dế giống, nhưng cháu chỉ lựa được 5 triệu đồng, các bác ấy cứ tiếc mãi.
Tôi hỏi: - Phổ biến kinh nghiệm nuôi dế rộng rãi như vậy, Đạt không sợ mất nghề sao? - Có rất nhiều đại diện doanh nghiệp lớn ở Hải Phòng, Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh trao đổi với em - Họ đang rất cần có vùng nuôi dế lớn để xuất khẩu ra nước ngoài - Đạt bộc bạch.