Bác sĩ trẻ có tay nghề vàng

14:44, 07/03/2009

33 tuổi đời và 8 năm tuổi nghề, còn khá trẻ nhưng bác sĩ Đặng Ngọc Huy, trưởng khoa Ngoại chấn thương là người có bàn tay vàng với nhiều kỹ thuật chuyên sâu đem lại hiệu quả cao trong điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Lê Xuân Tân, Giám đốc Bệnh viện C khẳng định: ''Bác sĩ Huy cùng nhiều bác sĩ trẻ không những góp phần khẳng định thương hiệu Bệnh viện C mà còn là đội ngũ kế tục xuất sắc cho thế hệ chúng tôi''.

Dẫn chúng tôi đi thăm bệnh nhân Ngô Xuân Tiến 44 tuổi ở xã Vạn Phái (Phổ Yên) vừa được vá sọ não thành công, bác sĩ Huy cho biết, bệnh nhân vừa được vá sọ não bằng titanium sau khi bị chấn thương dẫn đến khuyết sọ não do tai nạn lao động. Cách đây hơn 3 tháng, anh Tiến bị tai nạn lao động và nhập viện trong tình trạng sọ bị vỡ nhiều mảnh, máu tụ trong màng cứng. Xác định đây là ca mổ khó bởi tỷ lệ tử vong trong những ca tương tự rất cao tuy nhiên ngay khi chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Huy đã chỉ đạo kíp mổ khẩn trương tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bởi nguyên tắc “6 giờ vàng” trong phẫu thuật sọ não có tụ máu là cực kỳ quan trọng. Bác sĩ Huy đã từng bước mở rộng hộp sọ bệnh nhân bỏ đi những phần xương dập nát rồi tiến hành mở màng cứng sọ não để lấy máu tụ và não dập. Ca mổ kết thúc sau nhiều giờ đồng hồ phẫu thuật căng thẳng của bác sĩ Huy và cộng sự. Bệnh nhân đã được cứu sống sau 3 tháng hậu phẫu và hồi sức tích cực. Cuối tháng 2 vừa qua, bác sĩ Huy tiếp tục thực hiện mổ vá phần sọ não đã dập nát bằng titanium thành công cho bệnh nhân. Biết chúng tôi đến thăm, anh Tiến mặc dù mới mổ được vài ngày cũng gắng ngồi dậy tiếp chuyện. Anh bảo: “Nghe kể lại quá trình mình được mổ mà tôi ngỡ như mơ. Cảm ơn bác sĩ Huy và Bệnh viện C nhiều lắm”.

Phẫu thuật sọ não và kỹ thuật vá sọ não được bác sĩ Đặng Ngọc Huy áp dụng thành công từ hơn 1 năm nay tại Bệnh viện C (trước đây, để có thể vá sọ não thì bệnh nhân phải về các viện lớn ở Hà Nội), đến nay, anh đã mổ thành công cho hàng chục bệnh nhân bị khuyết sọ não do chấn thương. Bác sĩ Huy cho biết, thực hiện các ca mổ này đòi hỏi phải có kỹ thuật tốt cộng với chuyên môn sâu về phẫu thuật thần kinh vì thế mà anh đã dành nhiều tháng học tập và quan sát các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mổ. Vá sọ não bằng titanium có nhiều ưu điểm hơn dùng xương tự thân, xương đồng loại hoặc một số vật liệu khác như tỷ lệ đào thải rất thấp, nhẹ và có độ bền vĩnh cửu. Trước khi thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện C, anh cũng đã được tạo điều kiện để mổ thành công hàng chục ca vá sọ bằng titanium tại Bệnh viện Việt Đức.

Không chỉ riêng kỹ thuật vá sọ não, bác sĩ Huy còn “sở hữu” nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị ngoại thần kinh đem lại hiệu quả tốt phục vụ người bệnh. Năm 2005, cùng với cả nước, Thái Nguyên phát hiện nhiều trẻ bị xơ hóa cơ delta. Sau khi được Sở Y tế cử về tập huấn phương pháp điều trị tại Bộ Y tế, anh cùng với các cán bộ bệnh viện trực tiếp đi điều tra và phát hiện nhiều bệnh nhân xơ hóa cơ delta trên địa bàn đồng thời vận động cha mẹ các em đưa về điều trị tại bệnh viện. Bằng phương pháp mổ lấy phần cơ bị xơ hóa kết hợp tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật, bác sĩ Huy và đồng nghiệp điều trị thành công, giúp các em hồi phục và cử động dễ dàng. Với những thành công đó, nhiều gia đình đã đưa trẻ có dấu hiệu xơ hóa cơ delta về khám, điều trị tại Bệnh viện C. Chỉ trong năm 2005, bác sĩ Huy và các đồng nghiệp đã mổ, điều trị thành công cho hơn 100 bệnh nhân trên toàn tỉnh. Từ những kinh nghiệm sau mổ và điều trị cho bệnh nhân xơ hóa cơ delta, bác sĩ Huy thực hiện đề tài khoa học “Kết quả điều trị xơ hóa cơ delta tại Bệnh viện C”. Với những đánh giá, nhận định và phương pháp điều trị cụ thể và hiệu quả, đề tài trên đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Giải thưởng sáng tạo trẻ năm 2005. Ngoài ra, anh cũng nhiều lần đoạt Giải thưởng sáng tạo trẻ của Liên đoàn Lao động tỉnh; nhiều năm, bác sĩ Huy là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Bệnh viện trao tặng nhiều phần thưởng với những thành tích khám chữa bệnh xuất sắc. Bác sĩ Huy cũng là người đầu tiên của Bệnh viện C cắt ruột thừa bị viêm bằng phương pháp phẫu thuật nội soi từ năm 2006. Với những ghi nhận sau hơn 3 năm thực hiện kỹ thuật này, anh đã thực hiện đề tại “Kết quả điều trị viêm ruột thừa tại Bệnh viện C”. Đề tài này đã được hội đồng khoa học Bệnh viện đánh giá rất cao và gửi đi dự thi Sáng tạo trẻ cấp tỉnh năm 2009.

Khá bận rộn với công việc khám chữa bệnh hằng ngày nhưng bác sĩ Huy vẫn dành nhiều thời gian để học tập và nghiên cứu. Năm 2004, anh đã bảo vệ thành công thạc sĩ y khoa chuyên ngành Phẫu thuật ngoại thần kinh. Năm 2006, anh lại tiếp tục theo học Nghiên cứu sinh chuyên ngành Phẫu thuật thần kinh. Dự kiến, hết năm 2009, sau khi bảo vệ đề tài thành công thì anh sẽ là Tiến sĩ Y học trẻ nhất tỉnh. Anh quan niệm: “Học tập cũng là một cách để rèn luyện bản thân, đáp lại sự tin cậy của người bệnh dành cho mình và Bệnh viện C”.