Bốn triệu bước chân vì công lý

08:51, 30/03/2009

Đó là mục đích chuyến đi bộ xuyên Việt của Nguyễn Tuấn Linh, sinh năm 1980 hiện đang công tác tại Thành đoàn Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình- vùng quê có tỷ lệ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin cao nhất cả nước. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, Linh đã tiếp xúc và được chứng kiến nỗi đau của rất nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ngay trong xóm An Dân, xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thuỵ, nơi Linh sinh sống đã có gần chục gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhiều bạn học của Linh phải bỏ giữa chừng vì căn bệnh tái phát.

 

Mong muốn khi lớn lên mình sẽ làm một việc gì đó để sẻ chia nỗi đau với những nạn nhân da cam/dioxin. Linh đã xin làm công tác phụ trách hệ thống loa truyền thanh của xã. Từ năm 1998-2003, hầu như ngày nào người dân trong xã Thuỵ Dân cũng được nghe qua hệ thống loa truyền thanh những thông tin, bài viết đầy xúc động kể về hoàn cảnh của những nạn nhân da cam/dioxin. Đến năm 2004, Linh bày tỏ nguyện vọng với gia đình về kế hoạch đi bộ xuyên Việt vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin của mình với gia đình và đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên, đặc biệt là bố của Linh, ông Nguyễn Đức Diên- cựu chiến binh. Nhưng bố em vẫn băn khoăn vì sức khoẻ của Linh không được tốt lắm. Và sau đó, em có kế hoạch để chuẩn bị cho chuyến đi của mình.

 

Từ Thái Bình, Linh vào Thành phố Biên Hoà xin làm việc tại một nhà máy sản xuất bao bì. Hơn ba năm công tác tại đây, Linh luôn là hạt nhân của các phong trào văn hoá, văn nghệ khu xóm trọ công nhân và mô hình câu lạc bộ thanh niên xóm trọ do Linh sáng lập đã được Tỉnh đoàn Đồng Nai chọn làm mô hình điểm cần nhân rộng. Đến tháng 7/2008, Linh chuyển về công tác tại Thành đoàn Đồng Nai.

 

Dự định của Linh sau chuyến đi bộ xuyên Việt này sẽ xin khoảng 30 nghìn chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống lại quyết định của Toà án tối cao Hoa Kỳ về việc từ chối đơn thỉnh cầu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các nạn nhân, đề nghị xem xét lại phán quyết của toà cấp dưới. Trước khi lên đường, có một số doanh nghiệp, công ty đã ngỏ ý tài trợ kinh phí cho chuyến đi với điều kiện Linh mặc chiếc áo có lô gô của đơn vị nhưng em đã từ chối: Tôi chỉ mặc duy nhất chiếc áo xanh có dòng chữ “Thanh niên Việt Nam”. Em đã quyết định xin nghỉ không lương 2,5 tháng và tạm hoãn đám cưới của mình để dành hơn 12 triệu đồng cho chuyến đi.

 

Sáng 3/2, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, Linh khoác ba lô với đầy đủ quân tư trang bắt đầu chặng hành trình. Vượt qua 19 tỉnh, thành phố với hàng nghìn km, chiều 28/3, Linh đã đến Thái Nguyên. Em đã xin được trên 25.000 chữ ký ủng hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Nguyễn Tuấn Linh cho biết: Đi đến đâu, em cũng nhận được sự ủng hộ, tiếp sức của mọi người, nhất là các bạn đoàn viên, thanh niên. Nhiều bạn đã cùng đi với Linh cả chặng đường dài mong tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên quê lúa hoàn thành dự định của mình.

 

Tình cờ biết được kế hoạch của Linh, em Dương Minh Nguyện công tác tại Công ty du lịch Phương Đông Hà Nội (quê ở phường Mỏ Chè, Thị xã Sông Công) đã đi bộ cùng Linh từ Hà Nội lên Thái Nguyên. Ngày 29/3, Linh đã gặp gỡ, trò chuyện với học sinh Trường THPT Sông Công và lấy được hơn  1 nghìn chữ ký ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin. Theo kế hoạch, ngày 31/3, Linh gặp gỡ, giao lưu với các bạn sinh viên Đại học Công nghiệp Thái Nguyên và thanh niên T.P Thái Nguyên để xin chữ ký; ngày 2/4, Linh có mặt tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) tạm kết thúc chuyến hành trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam.

 

Đây là một việc làm thể hiện nghĩa cử cao đẹp của thế hệ trẻ mong muốn chia sẽ với nỗi đau với các nạn nhân da cam và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành công lý đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm pháp lý và đạo lý trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.