Gương sáng thương binh Nguyễn Văn Đạc

09:24, 22/07/2009

Thăm cơ ngơi của ông Nguyễn Văn Đạc, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước nghị lực của một thương binh hạng 3/4.

 

Năm 1969, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Đạc lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường C, khi ấy ông mới tròn 20 tuổi. Sau đó ông bị thương và  trở về hậu phương với thương tật 3/4. Hiện tại, 3 mảnh đạn vẫn ở trong người ông (một mảnh ở khớp gối, một ở đùi trái và một ở cột sống). Năm ngoái, vết thương ở khớp gối tái phát, chân nhức, toàn thân đau ê ẩm, ông Đạc không thể đi lại được. Gia đình đã đưa ông xuống Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên điều trị nhưng do mảnh đạn nằm trong khớp gối nên việc mổ lấy đạn là rất khó khăn. Ông đã đề nghị các bác sĩ tháo khớp nhưng các bác sĩ đã khuyên ông xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tại Bệnh viện Quân y 108, ông được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra mảnh đạn ở khớp gối. Sau hơn một tháng điều trị, ông được ra viện nhưng 2 mảnh đạn còn lại trong người vẫn làm ông đau đớn mỗi khi trái nắng trở trời.

 

Cách đây hơn chục năm, xuất phát từ nhu cầu của các hộ dân 3 xóm (Đồng Rã, Tân Tiến và Bắc Phong), ông Đạc đã vận động ông Lê Quang Chỉ và Lê Xuân Hoa, xóm Tân Tiến đóng góp được 5 sào đất để làm chợ và ông trực tiếp đứng ra quản lý với 6 buổi họp chợ/tháng. Ông Đạc cho biết: Nông sản bà con làm ra được các tư thương đến thu mua vào những ngày chợ phiên nên được giá hơn. Từ ngày có chợ, bà con không phải ra tận trung tâm xã hay các xã lân cận để mua sắm vật dụng, thực phẩm phục vụ sinh hoạt. Lệ phí họp chợ cũng rất thấp, chúng tôi chỉ thu một chút để trả tiền vệ sinh và quản lý chợ. 

Ông Lương Văn Đình, Chủ tịch Hội CCB xã Dân Tiến nhận xét: Ông Nguyễn Văn Đạc là một trong 11 thương binh của xã tích cực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình ông có một khu chuồng trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt (mỗi lứa khoảng 40 con) mỗi năm xuất bán khoảng 6 tấn thịt hơi và đặc biệt là đàn lợn giống địa phương theo ông Đạc tuy chậm lớn những thịt lại rất thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, ông đang gây giống để bán cho bà con trong vùng. Cùng với đó, gia đình ông còn canh tác trên 1ha ngô 2 vụ, mỗi năm thu được 5-6 tấn ngô phục vụ chăn nuôi. Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao ngô chưa thu hoạch mà ông đã trồng đỗ tương, ông Đạc giải thích: Khi bắp ngô già tôi phát hết lá, ngọn sau đó để khô rồi đốt. Tro của cây ngô rất tốt cho đất và hợp với cây đỗ tương. Khi đỗ tương bắt đầu mọc thì cũng là lúc ngô được phơi khô chỉ cần thu hoạch về để chăn nuôi dần. Như thế vừa tận dụng được đất, vừa phơi được ngô.

 

Ngoài ra, để tạo việc làm cho các con, ông đã vay mượn và mua chiếc xe ôtô tải để thu mua ngô của bà con trong vùng đem về Phú Bình bán buôn cho các hộ chăn nuôi. Hết mùa ngô ở địa phương, các con ông lại lên tận Sơn La mua ngô về để phục vụ chăn nuôi của gia đình và cung cấp cho hộ chăn nuôi trong vùng. Với cách trồng trọt, chăn nuôi đó, mỗi năm gia đình ông Đạc có thu nhập trên 100 triệu đồng, các con cũng có thêm việc làm, thu nhập, gia đình ông đã xây được nhà hai tầng khang trang, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ.