Một gia đình công giáo tiêu biểu

16:14, 20/07/2009

Đó là gia đình ông Dương Chung Sức, xóm Điềm Thụy, xã Điềm Thụy (Phú Bình). Từ năm 1988, ông Sức đã vinh dự là 1 trong 3 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Đại biểu Nông dân lao động, sản xuất giỏi toàn quốc.

Từ đó đến nay, gia đình ông vẫn luôn là hộ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Cũng bởi lẽ đó, mà hàng chục năm qua, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Điềm Thụy.

 

Trong căn nhà 2 tầng khang trang, thoáng mát được xây từ năm 2000, ông Sức kể cho chúng tôi nghe các khoản thu mà gia đình ông đang có. Đầu tiên ông nhắc đến là 3 con lợn phối giống, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Ông tâm sự: Nhận thấy nhu cầu của chính gia đình và người dân trong vùng về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp là rất lớn nên ông đã cho con trai theo học trung cấp chuyên ngành thú y. Khi con học xong, ông đã mạnh dạn về Trung tâm Nghiên cứu lợn Thuỵ Phương (Viện Chăn nuôi Quốc gia) để mua 3 con lợn đực giống về để "kinh doanh".

 

Ngoài ra, gia đình ông còn mở thêm dịch vụ thú y tại nhà. Từ năm 2007, gia đình ông mở thêm đại lý thức ăn chăn nuôi và tăng số đầu lợn/lứa lên trên 50 con thay vì trên dưới 10 con như trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình ông bán được 15-18 tấn cám. Ông chia sẻ, năm 2008 mặc dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng sản phẩm đầu ra tương đối ổn định ở mức cao nên trung bình mỗi tấn lợn, gia đình ông vẫn thu lãi khoảng 7 triệu đồng. Bước sang năm 2009, giá thức ăn vẫn ở mức cao mà giá bán giảm hơn 7-10 giá/kg nên người chăn nuôi may chăng chỉ hòa vốn. Do làm đại lý cám cấp 1 cho nhà máy nên giá mua rẻ hơn so với người dân khác, nhờ đó mỗi tấn lợn của ông vẫn cho thu lãi, nhưng chỉ được khoảng 300 nghìn đồng/tấn.

 

Mặc dù việc chăn nuôi gặp nhiều bất lợi nhưng cũng như nhiều gia đình khác, ông Sức vẫn duy trì bởi như các cụ xưa vẫn có câu "không được lúa thì được rơm". Nghĩa là người chăn nuôi tuy không có lãi nhưng còn có nguồn phân bón cho đồng ruộng. Gia đình ông Sức hiện có 15 sào ruộng cấy lúa, 11 sào trồng rau và 11 sào mặt nước nuôi cá. Mùa nào thức ấy, diện tích trồng rau của gia đình ông lúc nào cũng được phủ kín diện tích với những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như: mướp đắng, đỗ các loại, cà chua, bí xanh… Ông bảo: Tôi rất thích trồng rau bởi vốn đầu tư cho một sào rau chỉ khoảng 200-300 nghìn đồng, nếu được giá, một sào rau có thể thu lãi 3-4 triệu đồng, mà thời gian chỉ mất trên dưới 3 tháng. Để chất lượng rau được đảm bảo, ít sâu bệnh, ông rút ra được kinh nghiệm đó là không trồng lặp lại 1 loại cây trên một diện tích. Nghĩa là nếu mùa này trồng đỗ thì vụ sau phải rau, rồi trồng cà chua… Việc bón phân cũng được ông quan tâm, chú trọng, làm theo quy trình hướng dẫn. Ông bảo, tuy trồng rau để bán nhưng mình cũng phải có lương tâm mà nghĩ đến sức khỏe của người mua. Họ cũng như mình đều mong muốn có được rau an toàn để sử dụng. Hỏi về tổng thu nhập mỗi năm, ông cười vui vẻ bảo: Không tính cụ thể được. Chỉ biết, mỗi năm trừ mọi chi tiêu trong gia đình cũng dư ra được 5-7 chục triệu.

 

Với những nỗ lực của bản thân trong phát triển kinh tế tại gia đình và tham gia phong trào Hội Nông dân, năm 2000, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Huy hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc. Ngoài ra, ông còn được nhận 3 bằng khen của UBND tỉnh và nhiều giấy khen của huyện" vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Và tới đây, ông sẽ được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp của giai cấp nông dân với thành tích liên tục 10 năm qua, ông đã tích cực tham gia phong trào hội với tư cách là chi hội trưởng chi hội nông dân xóm Điềm Thụy.

 

Trước khi chia tay, ông Sức không quên lấy ra trong túi áo chiếc "cạc vi rít" đưa cho chúng tôi: Có việc gì cần liên hệ, các cô gọi theo số điện thoại trong này. Nhìn nhanh vào chiếc "cạc", chúng tôi nhận thấy mọi ngành nghề kinh doanh của gia đình ông đều được giới thiệu đầy đủ ở đó. Tôi vui mừng thầm nghĩ, vậy là người nông dân bây giờ cũng đã làm rất tốt việc "tiếp thị" sản phẩm của mình. Đó cũng là cách để người những người nông dân tiến nhanh hơn trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay.