Một tấm lòng đối với thí sinh nghèo

09:27, 05/07/2009

Đó là tấm lòng của anh Lê Văn Chinh,  Giám đốc Công ty TNHH Phú Yên. Số nhà  825, đường Dương Tự Minh, T.P Thái Nguyên nơi anh Chinh đang cho thí sinh và người nhà thí sinh trọ miễn phí không rộng lắm, nhưng tình cảm của anh đối với các thí sinh nghèo thật đáng trân trọng.

 

Từ Quỳnh Phụ (Thái Bình) đưa con gái lên Thái Nguyên thi đại học, bác Nguyễn Văn Riềm vô cùng bỡ ngỡ. Con gái bác đăng ký dự thi vào Trường ĐH Kinh tế & Quản trị Kinh doanh thi tại điểm thi Trường THPT Dương Tự Minh. Vừa tới cổng điểm thi, bác đã bị các bà chèo kéo vào mời chào thuê nhà trọ. Chưa biết xử trí ra sao thì có 1 cô sinh viên tình nguyện ra và bảo: Cách đây 50m có một gia đình có nhà cho nghỉ trọ miễn phí, nếu bác ở cháu đưa tới. Mấy bà có nhà trọ thi nhau bảo mấy cô sinh viên nói dối, thời buổi này làm gì có ai cho ở miễn phí, nghe nói vậy bác Riềm rất hoang mang. Nhưng khi các cô chú ấy khẳng định và bảo đưa hai bố con đến tận nơi và thực tế đúng là như vậy, bác không ngờ lại có người tốt đến thế.

 

Cũng như trường hợp của bác Riềm, anh Đặng Công Việt quê ở Mỹ Lộc, Nam Định đưa em gái lên Thái Nguyên thi đại học. Hoàn cảnh gia đình anh Việt rất khó khăn. Để có tiền cho em đi thi, bố mẹ anh đã phải bán 4 tạ thóc để cho 2 anh em làm lộ phí. Vừa tới điểm thi, được các sinh viên tình nguyện giới thiệu có gia đình cho ở miễn phí anh Việt mừng lắm. Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi anh vẫn rưng rưng: "Nếu với giá phòng trọ trung bình là 25 nghìn đồng/người/ngày đêm, 2 anh em ở trong 4 ngày là mất 200 nghìn đồng. Với nhiều gia đình đó là số tiền nhỏ, nhưng với chúng tôi thì đó thực sự là vấn đề lớn. Không bao giờ tôi nghĩ mình lại may mắn như thế. Anh chị ấy đã đi mua chiếu, chăn, màn, gối mới để chúng tôi dùng. Anh em tôi không biết nói như thế nào để bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình anh chị ấy".

 

Qua lời kể của sinh viên tình nguyện Trương Ngọc Phượng, Trường ĐH Nông lâm thì: "Chúng em tham gia tiếp sức mùa thi tại cổng Trường THPT Dương Tự Minh thì có một anh lên và nói với chúng em rằng: Các em làm ở đây, nếu thấy trường hợp nào khó khăn, các em giới thiệu xuống nhà anh, địa chỉ số nhà 825 đường Dương Tự Minh. Anh sẽ đi mua chăn, màn, chiếu cho các thí sinh và người nhà ở". Khi chúng tôi tìm đến số nhà 825,phải thuyết phục mãi, tôi mới gặp được chủ nhà và cũng là chủ doanh nghiệp Lê Văn Chinh. Quê anh ở miền đất nghèo Ký Phú (Đại Từ). Cũng giống như bao học sinh cấp 3 khác sau khi tốt nghiệp phổ thông anh ước mơ thi đỗ vào đại học. Năm đầu tiên anh thi đỗ hệ cao đẳng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp. Khi làm thủ tục nhập học phải đóng 800 nghìn đồng, trong khi tài sản trong gia đình không có gì ngoài 1 con lợn và 1 đàn vịt. Nếu bán cả lợn, vịt cũng chỉ được 300 nghìn đồng. Anh quyết định không đi học, ở nhà ôn thi tiếp. Ở nhà anh cặm cụi đi buôn cá con để dành tiền ôn và đi thi đại học. Đến năm thứ 3 anh quyết định thi vào 1 trường quân đội ở Hà Tây với hy vọng nếu đỗ bố mẹ không phải nuôi. 4 người bạn ở đất Đại Từ dẫn nhau đi thi trong túi vẻn vẹn chỉ có ít tiền. Nếu tính cả tiền thuê trọ và tiền ăn của 4 người gộp lại sẽ không có tiền đi về. 4 người bàn bạc và quyết định sẽ mượn bạt của nhà dân mắc tạm ra bãi cây gần điểm thi ở. Nghe được câu chuyện của 4 anh em, 1 bác người Hà Bắc đưa con đi thi bảo: Các cháu cứ thuê nhà trọ, khi về thiếu tiền bác sẽ cho. 4 thí sinh thuê nhà trọ, nhưng mỗi bữa ăn chỉ dám mua 2 suất cơm cho 4 người. Hết 3 ngày thi, số tiền dành dụm cũng vừa đủ lộ phí đi đường về quê. Từ những vất vả của cuộc đời, anh luôn thầm nhủ sau này nếu có điều kiện mình sẽ giúp các bạn thí sinh nghèo đi thi đại học. Khi không đỗ đại học, anh quyết định đi học công nhân rồi đi làm thuê. Trong mỗi mùa thi đại học, anh đều đi xe máy ra Bến xe khách Thái Nguyên cho thí sinh đi nhờ về các điểm thi.

 

Rồi anh xây dựng gia đình, với số vốn ít ỏi, anh chị quyết định thuê nhà, mở xưởng cơ khí. Quy mô của xưởng ngày càng lớn dần nhờ sự quyết tâm nỗ lực vượt khó, khẳng định uy tín với khách hành của anh chị. Khi nói về tâm niệm của mình anh bảo: "Theo tôi nghèo nếu không do mất sức lao động thì là do quá lười biếng mà thôi. Tôi rất khâm phục những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Tôi chỉ có ước mơ của đời mình là có điều kiện sẽ dành nhiều thời gian, cũng như vật chất để làm công tác khuyến học". Ngôi nhà số 825 mà anh chị cho người nhà và thí sinh ở miễn phí là ngôi nhà anh chị đang đi thuê để doanh nghiệp giao dịch. Tuy diện tích không được rộng lắm, chỉ đủ cho 3 thí sinh và 3 người nhà ở cùng, nhưng tấm lòng của anh chị đối với các thí sinh thật đáng trân trọng.