Nghị lực của một thương binh

10:14, 15/07/2009

Với chứng thương 1/4, được Nhà nước cấp chế độ nuôi dưỡng đặc biệt, nhưng anh Đinh Văn Tiến, sinh năm 1964, xóm Soi Đông Hạ, xã Đông Cao (Phổ Yên) vẫn hăng say lao động như tất cả mọi người dân thôn quê bình thường…

 

Anh Đinh Văn Tiến nhập ngũ năm 1982, lúc đó, còn thiếu 3 tháng nữa mới đầy 18 tuổi, nên anh phải nhờ bố “nói khó” với cán bộ tuyển quân để vào được quân đội.

 

Sau khóa huấn luyện bộ đội trinh sát, cuối năm 1983 anh được điều động lên Lạng Sơn, cùng đồng đội làm nhiệm vụ trinh sát dọc mốc tuyến đường biên, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Một lần trên đường làm nhiệm vụ, khi qua vùng Cao Lộc, tiểu đội trinh sát của anh bị vướng phải quả mìn nhảy KP2, 3 đồng chí hy sinh tại chỗ, còn anh bị mảnh gang găm kín người. Vậy là từ tháng 10/1984 cho đến hết tháng 6/1987, Đinh Văn Tiến phải trải qua các bệnh viện ở Lạng Sơn; 110 Bắc Ninh; 103 Hà Đông; viện 91 rồi về Đoàn an dưỡng Thác Giềng ở Sơn Cẩm (Phú Lương), với 4 lần phẫu thuật để lấy các mảnh đạn từ dạ dày, phổi, tay, chân...

 

Sau các lần phẫu thuật, bác sĩ mới “lấy hộ” anh những mảnh đạn to, còn trên khắp người anh bây giờ sờ đâu cũng thấy gờn gợn mảnh đạn nhỏ... Với chứng thương 1/4, anh được Nhà nước cấp chế độ nuôi dưỡng đặc biệt. Song tháng ngày nằm viện điều dưỡng, cũng là thời gian để anh, suy nghĩ rất nhiều. Nhớ tới lời dạy của Bác Hồ với anh chị em thương binh “Tàn nhưng không phế”, anh đến gặp cán bộ quản lý Viện điều dưỡng xin trở về quê để được lao động như tất cả mọi người.

 

Khi đó mùa lũ tháng 7/1987, dòng sông Cầu ngầu đỏ hạt phù sa, nước dâng kín cánh đồng ngoài đê, cũng là khi anh thương binh Đinh Văn Tiến trở về xóm Soi Đông Hạ làm người nông dân. Hằng ngày, anh gắng gìm từng cơn đau trên cơ thể để người thân yên tâm, cho cùng làm việc đồng áng. Công việc cày cấy vất vả, nhưng đổi lại anh tìm được niềm vui. Mỗi năm, hơn 6 sào đất bố mẹ cho, anh làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Tuy là thương binh nặng, sức khoẻ hạn chế nhưng trong lao động sản xuất, anh luôn tìm cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật sản xuất mới, như tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi để ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Năm 1991, tranh thủ nông vụ thư nhàn, anh về phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) thăm bạn. Thấy đồng đất quê bạn cũng như đồng đất quê mình, nhưng nông dân ở đây không cấy lúa mà trồng hoa, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cây lúa gấp 3,4 lần. Mắt thấy, tai nghe... Đinh Văn Tiến mê ngay. Không ngần ngại, anh nhờ bạn hướng dẫn cho cách làm đất, giâm hom, chăm bón và kỹ thuật cho hoa nở, giữ hoa tươi lâu... Năm 1991, những hom hoa hồng, hoa cúc đầu tiên được anh mang về, giâm xuống đồng đất Đông Cao. Thấy vậy, một số bà con trong xã ngạc nhiên hỏi: Trồng hoa làm gì, bán cho ai?

 

Thực bụng anh lo lắm, nhưng cứ “thử liều”. Ngày hoa nở, anh cùng vợ cắt tỉa mang hoa về Hà Nội, lên T.P Thái Nguyên bán. Không ngờ “hoa tươi chất lượng cao” của anh có bao nhiêu mang ra chợ người tiêu dùng cũng mua hết. Thấy có hiệu quả kinh tế, anh vận động bà con chòm xóm cùng làm. Đến năm 2000 thì trong xã đã có nhiều hộ gia đình cùng trồng hoa, không ít hộ trong xã thoát nghèo nhờ trồng hoa. Anh bảo: Tôi lao động để quên bớt nỗi đau thể xác. Phải hôm thay đổi thời tiết, cái đau thúc từ bụng, từ ngực ra, có lúc lại cắn từ ngoài vào... Vì thế mọi người trong gia đình không muốn cho tôi làm việc. Nhưng hết cơn đau, tôi lại mê mải với công việc đồng áng, vì hoa hồng và bông lúa do tôi vun trồng đã đem lại cho gia đình tôi cuộc sống no ấm...

 

Để kinh tế gia đình ổn định hơn, năm 2003, vợ chồng anh bán đôi bò kéo, bù thêm tiền mua được chiếc máy cày, bừa mi ni. Ngoài việc cày bừa cho 6 sào đất của gia đình, anh còn tích cực mang máy đi cày, bừa giúp bà con chòm xóm. Bù lại, anh cũng được mọi người giúp đỡ việc nhổ mạ, cấy lúa hoặc thu hoạch mùa màng, nhất là lúc trái gió trở trời, anh phải nằm một chỗ vì vết thương cũ tái phát.

 

Đưa chúng tôi đi thăm đồng, anh nói cho chúng tôi nghe về các loại hoa, về vẻ đẹp của hoa, về ý nghĩa của mỗi loài hoa với cuộc sống con người. Nhưng khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập hằng năm, anh mỉm cười: Từ 3 sào đất trồng hoa, 3 sào đất trồng lúa, cộng thêm chăn nuôi lợn, gà... phụ cấp thương binh cũng đủ chi tiêu cho 4 thành viên trong gia đình.

 

Qua câu chuyện với anh, chúng tôi được biết thêm: Năm 2006, anh mua thêm 2 máy trộn bê tông, tạo được việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hằng ngày, để người lao động có việc làm, anh tìm đến các xóm, xã và đến các hộ đang có công trình xây dựng nhận việc. Đến nay đã có nhiều công trình mái nhà bê tông; đường bê tông trên địa bàn các xã Đông Cao, Tân Hương, Tân Phú... (Phổ Yên) được người thương binh giàu nghị lực Đinh Văn Tiến và các cộng sự của anh thi công... Trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng thương binh nặng Đinh Văn Tiến đã vượt được lên chính đau đớn thể xác, để sống có ý nghĩa.