Trong ngôi nhà gỗ đơn sơ nằm gối vào chân đồi ở xóm Vân Hoà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) còn thiếu thốn nhiều bề, có một chàng thanh niên sẵn sàng hiến hơn 200 m2 đất của gia đình ở mặt đường cho xã xây dựng Trường tiểu học mà không mảy may nghĩ tới thiệt-hơn…
Những chia sẻ của anh khiến chúng tôi thật sự bất ngờ: Đất nước mình còn nghèo, mình đóng góp cho đất nước được phần nào hay phần đó. Người có nhiều góp nhiều, tôi có ít đóng góp ít. Tôi rất thích câu hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”. Tôi đã và đang sống, lao động, cống hiến theo đúng quan điểm đó, chứ không phải để được mọi người khen ngợi.
Nhưng tiếng lành vẫn đồn xa, việc anh Nguyễn Xuân Trường hiến hơn 200 m2 đất mặt đường để xây dựng Trường tiểu học số 1 Văn Hán đã vang khắp cả xóm trên làng dưới. Tuy anh Trường không phải là người đầu tiên trong xã có nghĩa cử cao đẹp này, nhưng mọi người nhắc nhiều tới tên anh, việc làm của anh với tấm lòng trân trọng, bởi vì gia đình anh cũng mới chỉ bước qua được ranh giới của cái nghèo, trên đôi vai gầy guộc của anh vẫn còn gánh nặng về nỗi lo cơm áo. Sinh năm 1970, nhưng anh Trường chưa xây dựng gia đình riêng, anh đang ở cùng mẹ và em gái, mọi lo toan đều đến một tay anh định liệu.
- Cuộc sống của anh còn nhiều vất vả, nếu bán mảnh đất đó anh cũng có ít nhất 40-50 triệu đồng để trang trải cuộc sống? Tôi hỏi.
- Đúng là như vậy. Nhưng tôi lại nghĩ, cái cần thiết hơn là sự học hành của con trẻ. Xã tôi còn nghèo, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải đầu tư cho con em được học hành tới nơi tới chốn. Mình nghèo thì cũng nghèo rồi, mảnh đất đó sẽ không làm mình giàu hơn bao nhiêu, nhưng hiến đất để xã xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp là mình đã làm được một việc có ích cho quê hương, đất nước. Song sự đóng góp cũng chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng là mỗi người dân phải biết tự vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo. Dân có giàu thì nước mới mạnh và như vậy mới là sự đóng góp lớn.
Xuất phát từ những suy nghĩ và tư tưởng như vậy, nên anh Trường đã không ngừng phấn đấu vươn lên để thoát nghèo. Anh tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào gieo cấy 2 sào lúa để tăng năng suất, đảm bảo lương thực ăn trong năm; đầu tư chăm sóc, thâm canh, cải tạo chè, mỗi lứa cho gia đình anh thu 1 tạ chè búp khô, trung bình thu 7 lứa/năm; anh cùng gia đình khai phá đất hoang trồng mới 1,5 ha rừng…
Càng tâm sự chia sẻ với anh Trường, càng khiến tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một người nông dân quanh năm lam lũ với ruộng rộng, nhưng lại có những suy nghĩ và tư tưởng tiến bộ, đầy chất nhân văn. Trong câu chuyện anh không quên nhắc đi nhắc lại: Tôi nghĩ sao thì nói vậy, những việc tôi làm đều xuất phát từ cái tâm chứ không phải để được mọi người biết đến.