Đó là Anh Triệu Quang Hưởng, sinh năm 1976, xóm Tiền Phong, xã Đức Lương (Đại Từ). Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hưởng còn là một Bí thư đoàn nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động ở địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cho thu nhập thấp và không ổn định. Năm 1996, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, mang trong mình bầu nhiệt huyết của một đảng viên trẻ, anh luôn trăn trở làm sao phải thay đổi được cách nghĩ, cách làm với tập quán làm ăn nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp của gia đình và nhân dân địa phương. Năm 2000, anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Nhã. Kinh tế gia đình anh lúc đó chỉ có 4 sào ruộng và 3 sào chè, thu nhập hàng năm chỉ đạt 3 đến 4 triệu đồng.
Với cương vị là một Bí thư đoàn xã, anh nhận thấy đông đảo lực lượng đoàn viên trong xã đều có sức trẻ, khoẻ nhưng lại không có công ăn việc làm ổn định, chưa có hướng phát triển làm ăn mới ngoài trồng lúa và chè cho thu nhập thấp, chưa được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi… Xác định mình là một Bí thư Đoàn, phải đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế đa ngành nghề. Ban đầu, với số vốn là 50 triệu đồng từ tích luỹ của gia đình và vay mượn thêm anh em, bạn bè, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc với diện tích 1000 m2. Anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức, gặp gỡ các cán bộ thú y để bổ sung kiến thức về chăn nuôi, tham quan các mô hình trang trại chăn nuôi đã có hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2007, trang trại của gia đình anh Hưởng đã có hơn 2 chục con lợn nái, trên 100 con lợn thịt. Mỗi năm anh xuất bán từ 14 - 16 tấn lợn hơi với giá trên dưới 27.000 đồng/kg. Gia đình có công ăn việc làm ổn định, ngoài ra anh còn tạo việc làm cho 3 thanh niên địa phương với mức thu nhập bình quân 1.400.000 đồng/người/tháng. Năm 2008, nhận thấy quỹ đất canh tác lúa một vụ cho hiệu quả kinh tế thấp, trong khi nhiều lao động nông nhàn của địa phương chưa có việc làm, anh đã mạnh dạn xin UBND xã Đức Lương cấp thêm quyền sử dụng 4.000 m2 đất để xây dựng lò sản xuất gạch, cung cấp gạch cho thị trường nông thôn. Anh đã tạo việc làm cho 8 - 10 lao động thời vụ với mức thu nhập là 1.500.000 đồng/người/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi từ chăn nuôi và sản xuất gạch số tiền là 185 triệu đồng. Đầu năm 2009, anh đầu tư mua thêm 1 máy xúc trị giá trên 200 triệu đồng để phục vụ cho việc sản xuất gạch của gia đình. Ngoài ra, anh còn nhận làm thêm các công trình của nhân dân trong và ngoài xã.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hưởng còn là một Bí thư đoàn nhiệt tình, năng nổ. Hai năm trở lại đây, hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", anh luôn xác định mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của Đoàn xã, không ngừng học tập, tích luỹ kiến thức để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời có điều kiện để giúp đỡ các đoàn viên trong xã, cùng nhau thoát nghèo. Với những việc làm cụ thể, thiết thực như: Gần gũi, động viên đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức cho các đoàn viên đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài huyện, hướng dẫn, tư vấn cho thanh niên phát triển kinh tế đa ngành nghề phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Anh Hưởng đã tạo được lòng tin trong mỗi đoàn viên. Anh là tấm gương sáng trong phong trào thi đua lập thân lập nghiệp trong thanh niên nông thôn. Chi Đoàn của anh mỗi năm giới thiệu 7 - 8 đoàn viên ưu tú cho Đảng.
Nhận thấy cách làm ăn mới của anh có hiệu quả, nhiều thanh niên trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và tự tìm cho mình một hướng đi mới. Anh Nguyễn Văn Thái, sinh năm 1985, ở xóm Tiền Phong, tâm sự với chúng tôi: Trước đây gia đình anh nằm trong diện hộ nghèo của xã, sau khi được sự động viên, khuyến khích của Hưởng cùng tổ chức Đoàn Thanh niên xã đứng ra tín chấp cho gia đình anh vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ số tiền 15 triệu, anh đã mở xưởng cơ khí, đến nay thu nhập bình quân của gia đình anh đã đạt 2 triệu đồng/tháng. Anh Triệu Quang Tuấn, sinh năm 1976, ở xóm Cây Xoan cũng được Đoàn Thanh niên đứng ra tín chấp cho gia đình anh vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ số tiền này cộng với số tiền của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với khoảng trên 2 chục con lợn thịt. Hiện nay thu nhập bình quân của gia đình anh từ cây chè và chăn nuôi cũng đạt 3 - 4 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định, một phần các đoàn viên thanh niên trong xã không đi làm ăn xa mà yên tâm sản xuất tại địa phương, tham gia vào các phong trào của Đoàn.
Với những thành tích sản xuất cũng như những đóng góp trong công tác Đoàn, năm 2008, anh được Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen Bí thư Đoàn xã đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia phát triển kinh tế và công tác tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc; Ban chấp hành Huyện đoàn Đại Từ trao tặng Giấy khen Bí thư Đoàn xã đạt thành tích tốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Ngoài ra, anh cũng nhận được rất nhiều giấy khen của UBND xã Đức Lương vì đã có thành tích trong công tác Đoàn.
Được biết, tới đây anh Hưởng sẽ là một trong những gương mặt đại diện cho thanh niên Thái Nguyên tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội.