Một thầy giáo hết lòng vì sự nghiệp khuyến học

15:02, 15/09/2009

7 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đồng Hỷ, bác Nguyễn Hữu Giao rút ra một điều: Muốn làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài phải có tâm huyết, trí tuệ, thời gian, uy tín và tinh thần tự nguyện,

 

Được biết, bác Giao chính là người đặt nền móng cho sự nghiệp khuyến học của Đồng Hỷ. Ngay từ ngày đầu thành lập Hội bác đã tham gia và trên cương vị Chủ tịch Hội bác đã cùng các đồng chí trong BCH Hội đưa phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Phát triển. Hội Khuyến học Đồng Hỷ luôn được đánh giá là một trong các đơn vị hoạt động hiệu quả cả về bề rộng và chiều sâu.

 

Năm 2002, khi nghỉ hưu được 2 năm, bác Giao được các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Hỷ đề nghị tham gia Hội Khuyến học. Với tâm niệm làm việc gì cũng phải tâm huyết, hằng ngày từ sáng sớm, người dân xóm Tân Lập, thị trấn Sông Cầu (nơi gia đình bác sống) đã thấy bác Giao, mặc dù tuổi đã cao (năm nay bác 73 tuổi) vẫn rong ruổi đi xuống các xóm, xã vận động các gia đình, dòng họ làm công tác khuyến học. Có hôm trời nắng như đổ lửa các cô giáo vùng cao Văn Lăng thấy bác lặn lội lên tận các phân trường để xem việc ăn, học của các giáo viên, học sinh (HS) đồng bào Mông ở đây ra sao. Tận mắt chứng kiến cảnh HS phải học trong những ngôi nhà tạm làm bằng tranh tre nứa lá, bác thương lắm. Thông qua Ban phát triển nông thôn của huyện, bác Giao đã tiếp cận với tổ chức INSA của Tây Ban Nha vận động tổ chức này đầu tư xây nhà nội trú cho HS. Tổ chức INSA đã đầu tư xây dựng 1 nhà nội trú, kèm theo các trang thiết bị dạy học trị giá gần 300 triệu đồng cho nhà trường. Bác còn tìm đến các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để vận động họ ủng hộ cho phong trào khuyến học.

 

Trong những năm qua phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ phong trào khuyến học trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Bản thân mỗi gia đình, dòng họ đều nhận thức được đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hiểu ngoài tính toán để kinh doanh có lãi còn có trách nhiệm xã hội đối với các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Chỉ sau 6 tháng Đại hội Hội Khuyến học của huyện, 18/18 xã, thị trấn đã thành lập được Hội Khuyến học. Đến thời điểm này 100% số xóm, bản, tổ dân phố có chi hội khuyến học. Đặc biệt, Đồng Hỷ là huyện duy nhất của tỉnh 7 năm liên tục tổ chức được hội nghị biểu dương khen thưởng HS đỗ đại học. Trong hội nghị tuyên dương HS đỗ đại học nguyện vọng 1 vừa qua đã có 241 HS được khen thưởng (tăng trên 50 HS so với năm học trước). Trò chuyện cùng chúng tôi, bác Giao vui vẻ cho biết: “Tôi không sợ muối mặt đi xin tiền, bởi đây là việc chung, để giúp đỡ, động viên các cháu học tốt hơn. Nhiều gia đình rất hiểu công việc của chúng tôi, họ chia sẻ, ủng hộ nhiệt tình, càng làm tôi thêm gắn bó với công việc này.

 

Không những nhiệt huyết với phong trào khuyến học của địa phương, gia đình bác Giao còn là một gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện. Trong 12 người con của bác (cả dâu rể) có 1 tiến sỹ, 2 thạc sỹ, 5 trình độ đại học, còn lại đều có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Trong 12 đứa cháu nội ngoại, bác có 3 cháu tốt nghiệp đại học đi làm, 1 cháu nội năm học vừa qua đỗ 2 trường đại học ở Hà Nội. Bác thành lập được quỹ khuyến học mang tên mình với trên 10 triệu đồng, hằng năm đều tổ chức khen thưởng, động viên các cháu học giỏi.

 

Với những đóng góp cho tổ chức Hội, bác Giao vinh dự là 1 trong các đại biểu được cử đi dự Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.