Chuyện của một nữ cán bộ quản lý

08:24, 25/10/2009

Chị là Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên). Để hài hòa giữa công việc quản lý, giảng dạy ở nhà trường và công việc gia đình, chị luôn có thời gian biểu phù hợp...

 

Là một nữ cán bộ làm công tác quản lý ở đơn vị lớn như Trường Đại học Nông lâm, với 480 cán bộ, giảng viên, có 8 khoa chuyên môn, với 20 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 6 chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ và 6 chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ, ở cương vị Phó Hiệu trưởng, chị luôn là trung tâm đoàn kết, cùng Ban Giám hiệu Nhà trường tạo lập được tinh thần đoàn kết, cùng hành động vì mục tiêu phát triển của Nhà trường. Đặc biệt trong công tác quản lý, chị đã kết hợp phương pháp “pháp trị và đức trị ”, nhưng phương pháp đức trị được chị coi trọng, vận dụng hợp lý hơn. Chính vì thế mà chị luôn có sự bình tĩnh, mềm dẻo nhưng cương quyết, thẳng thắn mà tế nhị. Với những đồng nghiệp khi mắc khuyết điểm, chị tế nhị lựa lúc phê bình hợp lý, nên ý kiến góp ý của chị được tiếp thu, người mắc khuyết điểm nhanh chóng sửa chữa được khiếm khuyết, từng bước trở thành người cán bộ, giáo viên có năng lực, uy tín, cùng phấn đấu góp sức xây dựng Nhà trường ngày thêm vững mạnh.

 

Đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, chị sâu sát, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên cũng như các học viên, sinh viên đang theo học tại Trường thực hiện các đề tài nghiên cứu. Trung bình mỗi năm, toàn Trường thực hiện đựoc từ 15 đến 20 đề tài khoa học cấp Bộ; từ 50 đến 70 đề tài cấp Trường; từ 60 đến 70 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, kết quả nghiệm thu hằng năm có 90% đề tài đạt loại tốt, 10% đề tài đạt loại khá. Cũng trong nhiều năm qua, Chị tham mưu với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung thực hiện việc chuyển giao công nghệ về lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư nghiệp cho các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Từ làm tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ, Nhà trường đã nhận được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị cấp trên. Làm lên thành tích chung ấy, có một phần đóng góp của chị, của các thế hệ cán bộ, giáo viên Nhà trường.

 

Công bằng nhận xét, chị là một trong những người phụ nữ làm công tác quản lý thành công. Còn con đường dẫn đến thành công chính là nhờ bản thân chị biết sắp xếp việc trường, việc nhà hợp lý. Do đó, chị đã dành được thời gian hợp lý cho việc nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, đồng thời tích cực biên soạn giáo trình các môn học do chị làm chủ nhiệm. Trong thời gian từ năm 2007 đến nay, chị đã biên soạn được 5 giáo trình và 3 sách tham khảo; chủ trì 4 đề tài cấp Bộ nghiệm thu đạt loại tốt; 35 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Năm 2000, chị nhận học vị tiến sĩ, năm 2005 được phong tặng chức danh Phó Giáo sư và đến năm 2008, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.