Người phụ nữ "mê" gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

16:00, 12/10/2009

Đó là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung, Giám  đốc- Tổng biên tập Nhà  Xuất  bản  Đại Học Thái Nguyên (ĐHTN), người vinh dự được chọn là một trong 10 gương mặt nhận giải thưởng phụ nữ Việt Nam tiêu biểu năm 2009.

 

Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, năm 1977, chị tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn của Trường đại học Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại làm giảng viên. Sau đó, chị tiếp tục học cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam rồi làm luận án tiến sĩ và được phong học hàm Phó Giáo sư năm 2005. Chị đã công tác ở nhiều vị trí công việc khác nhau: Giảng viên Trường đại học Sư phạm Việt Bắc, Phó ban Đào tạo nghiên cứu khoa học, Trưởng ban quản lý Khoa học và Quan hệ quốc tế (ĐHTN), Trưởng ban Quản lý khoa học - Đại học Thái Nguyên… Từ tháng 5/2008 đến nay, chị chuyển sang làm Giám đốc -Tổng biên tập Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên.

 

Là một nhà giáo, một nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực Văn học Việt Nam nên chị có điều kiện tiếp cận thường xuyên với văn học của các dân tộc thiểu số vì thế, niềm đam mê lớn nhất của chị là làm thế nào để gìn giữ và truyền cho thế hệ trẻ yêu thích và trân trọng nền văn hóa của các dân tộc thiểu số. Từ suy nghĩ đó, trong công tác giảng dạy, đào tạo chị đã đã biên soạn nhiều giáo trình giảng dạy về đề tài này, ngoài ra chị còn nghiên cứu và đưa ra hệ thống đề tài luận văn tốt nghiệp đại học và luận văn thạc sĩ, tiến sĩ về văn học các dân tộc thiểu số để cho sinh viên, học viên nghiên cứu thực hiện. Bản thân chị đã trực tiếp hướng dẫn hơn 20 sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh làm luận văn, luận án tốt nghiệp với đề tài về Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam như nghiên cứu về các nhà thơ: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Pờ Sảo Mìn…

 

Trong công tác nghiên cứu khoa học chị đã có nhiều đề tài cấp trường và cấp ngành về chủ đề văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong đó, phải kể đến đề tài “Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại” đã được công nhận đạt cấp Bộ. Khi chuyển sang làm công tác xuất bản, niềm đam mê của chị lại được thể hiện thông qua việc xuất bản các ấn phẩm về bản sắc văn hóa, kinh tế- xã hội của vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như sách dạy tiếng Tày- Nùng, các tác phẩm văn học, thơ, ca dân tộc thiểu số miền núi… Tới đây, Nhà Xuất bản ĐHTN sẽ cho ra mắt bạn đọc 5 cuốn sách viết về các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.

 

Chị cho biết: Nhà xuất bản ĐHTN chịu trách nhiệm xuất bản các ấn phẩm văn hoá, nghệ thuật, khoa học, chính trị…của khu vực miền núi phía Bắc và sách phục vụ cho các trường ĐH-CĐ. Nên để đảm đương trọng trách này chắc hẳn sẽ rất khó khăn đối với những ai không am hiểu về đồng bào dân tộc miền núi, về các phong tục tập quán, cách sống cũng như các nét văn hoá đặc trưng khác.  Bởi nhiều các bản thảo gửi Nhà Xuất bản ĐHTN là của các giáo sư, tiến sĩ viết, do đó để biên tập được thì không những phải vững chuyên môn mà phải có kiến thức xã hội và am hiểu ngôn ngữ, Văn hoá Việt Nam. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt hơn 30 năm trong nghề đã giúp chị có được độ “chín” cần thiết để đảm đương trọng trách này. Từ khi thành lập đến nay, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên đã cho ra mắt bạn đọc trên 40 cuốn sách với nhiều đề tài khác nhau trong đó đặc biệt là nhóm đề tài về Văn hoá dân tộc miền núi được đông đảo bạn đọc và các em sinh viên yêu thích.

 

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ làm Giám đốc - Tổng biên tập Nhà Xuất bản ĐHTN, chị còn là Ủy viên Ban chấp hành (BCH) đảng bộ ĐHTN; Uỷ viên BCH Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên; Uỷ viên Ban nữ công Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam. Không chỉ giỏi việc nước chị còn làm một người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Do biết điều hoà giữa công việc và gia đình một cách hợp lý, nên dưới sự dạy dỗ của mẹ hai con của chị đều học hành thành đạt. Gia đình chị luôn đạt gia đình văn hóa cấp tỉnh và cấp ngành. Hiện nay, con trai lớn của chị đang là giảng viên Trường Đại học Khoa học và đang hoàn thiện luận văn Tiến sĩ. Con gái thứ hai đã hoàn thành bằng thạc sĩ và đang công tác tại Trường cao đẳng Văn hoá- Nghệ thuật Việt Bắc.

 

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2001 đến 2008 chị được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2006, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ. Chị vinh dự được nhận 1 huân chương, 04 huy chương, 16 bằng khen và giấy khen khác của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh. Đặc biệt, năm 2005 chị được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2007, được trao tặng danh hiệu "Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới". Và tới đây, đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Hội  Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2009), chị là một trong 10 gương mặt  được nhận giải thưởng phụ nữ Việt Nam tiêu biểu năm 2009.