Nhạc trưởng của xóm Thống Nhất

14:46, 19/10/2009

Mọi người trong xóm Thống Nhất, xã Đức Lương, huyện Đại Từ vẫn gọi bác Triệu Minh Thực là nhạc trưởng của xóm, bởi bản thân bác, gia đình và các con cháu đều gương mẫu trong mọi phong trào, là tấm gương để các gia đình nhìn vào học tập.

 

Vừa tới đầu xóm Thống Nhất, chúng tôi đã nghe văng vẳng tiếng hát then phát ra từ ngôi nhà văn hoá. Hỏi ra mới biết đây là buổi tập văn nghệ mà xóm duy trì thường xuyên dưới sự hướng dẫn của bác Triệu Minh Thực. Được biết, đó là bài hát “Ca ngợi quê hương Đức Lương đổi mới” do chính bác Thực, dân tộc Tày sáng tác. Tác phẩm này cũng vừa giành giải Nhất tại Hội diễn văn nghệ của xã.

 

Tôi lẳng lặng vào ngồi ở dãy cuối nhà văn hóa xóm. Điều khiến chúng tôi cảm thấy rất vui là không chỉ riêng lớp trẻ say mê với làn điệu then quê mình, mà các bác cao tuổi của xóm cũng đang miệt mài truyền lại cho con cháu đời sau để lưu giữ những bản sắc văn hóa dân tộc mà bao đời cha ông đã gìn giữ. Hết chương trình văn nghệ, bác Thực đứng lên trao đổi với bà con về việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Điều mà bác Thực trăn trở nhất ở đây là xóm chưa đạt được danh hiệu làng văn hóa không phải vì có người mắc vào các tệ nạn xã hội hay số hộ đói nghèo quá cao mà vì có người sinh con thứ 3. Tư tưởng phải có đứa con trai nối dõi tông đường vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ của một số gia đình. Bác giảng giải cho bà con thế nào là một gia đình hạnh phúc, ấy là một gia đình con hiếu thuận với cha mẹ, cháu lễ phép với ông bà, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, biết giúp đỡ bà con láng giềng, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Rồi bác lấy ví dụ về những gia đình có con trai mà lại không có hạnh phúc khi chúng mắc vào vòng xoáy của tệ nạn ma tuý. Khi đói thuốc, chúng trộm cắp của gia đình, của hàng xóm láng giềng, thậm chí còn đánh đập bố mẹ…

 

Qua những điều bác Thực nói, mà tôi thấy bác như một nhạc trưởng của dàn nhạc, bởi tất cả bà con trong xóm đều gật gù bảo nhau, bác nói rất phải. Nhưng khi hỏi ra thì mới biết, bác không phải là Trưởng xóm mà chỉ là một người dân bình thường nhưng bác luôn được 70 hộ của xóm Thống Nhất coi là già làng của địa phương. Tiếng nói của bác có sức thuyết phục tới tất cả bà con. Bởi bản thân bác, gia đình và các con cháu đều gương mẫu trong mọi phong trào, là tấm gương để các hộ khác nhìn vào học tập. 18 tuổi, bác đã xung phong lên đường nhập ngũ. Đến năm 1969 phục viên trở về quê hương, bác được bầu làm Bí thư Đoàn xã. 27 tuổi bác đã làm Chủ tịch xã. 26 năm làm Bí thư Đảng uỷ xã Đức Lương, bác đã cùng tập thể lãnh đạo xã đưa phong trào của địa phương đi lên. Năm 2005, nghỉ chế độ, bác lại là một trong các hạt nhân xây dựng tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi của xóm hoạt động sôi nổi. Mọi công to việc lớn của xóm, lớp trẻ đều xin ý kiến của bác.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi bác bảo: “Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, lại phải trải qua 2 cuộc chiến tranh với các đế quốc to, nhưng Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách dân tộc. Điều đó thể hiện rõ nhất qua Chương trình 134, 135 đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Điện, đường, trường, trạm, các công trình nước sạch được đầu tư xây dựng. Bà con được hưởng lợi rất nhiều từ các công trình này. Các tập quán canh tác cũ, hủ tục lạc hậu được thay đổi. Bà con biết ơn Đảng, Chính phủ lắm. Tôi có may mắn được tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, rồi lại về công tác tại địa phương, giờ nghỉ chế độ chỉ mong muốn mình còn sức khoẻ, minh mẫn để đóng góp xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.

 

Những suy nghĩ và mong muốn của bác Thực đã và đang được bác thể hiện qua những hành động, việc làm của mình đóng góp để xây dựng quê hương Đức Lương ngày một phát triển, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước giành cho đồng bào các dân tộc nơi đây.