Đó là ông Nguyễn Minh Hùng, xóm Tân Thành 3, xã Tân Quang (T.X Sông Công). Năm 2003, khi xem một chương trình truyền hình trên kênh VTV2, thấy nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không mất nhiều công, ông đã xây chuồng nuôi nhím làm giàu.
Tháng 8/2003, ông Hùng mua 6 con nhím bờm về nuôi. Tổng đầu tư mua nhím giống và xây chuồng hết 30 triệu đồng. Sau một năm chăm sóc nhím vẫn chưa sinh sản, vợ ông rất lo và bắt đầu nản, ông động viên vợ phải kiên trì chờ đợi vì nhím từ khi đẻ ra đến lúc sinh sản phải mất 2 năm. Quả thật sang năm 2005, đàn nhím của gia đình ông đã bắt đầu đẻ con, với 5 đối nhím xuất chuồng, giá gần 5 triệu đồng/đôi, ông bán được 29 triệu đồng tiền nhím con. Khi nhím đã vào chu kỳ sinh sản thì mỗi năm sẽ đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình hai con. Năm 2008, ông thu 80 triệu đồng tiền bán nhím giống và 6 tháng đầu năm 2009 ông thu về gần 40 triệu đồng. Hiện trong chuồng nhà ông có 9 con bố mẹ và 4 con con.
Về kỹ thuật nuôi nhím ông Hùng chia sẻ: Khi nhím con mới đẻ, chưa ăn được gì ngoài sữa mẹ nên phải bồi dưỡng cho nhím mẹ bằng cách cho ăn thêm bột đậu xanh trộn với B1, B6, B12 để nhím mẹ khoẻ có sữa tốt cho nhím con bú. Nhím con sau 10 ngày là biết vờn lá rau, sau 20 ngày là tập ăn lá rau, sau 30 ngày là có thể gậm ăn củ, quả mềm. Nhím con sau 2 tháng là có thể cai sữa, nhưng tốt nhất là để 45 ngày tuổi mới nên cai. Chế độ ăn của nhím con sau khi cai gồm rau, củ, quả mềm thái nhỏ. Nhím con nuôi sau 3 tháng là đến giai đoạn vỗ lớn. Khi đó cho nhím ăn thêm cơm nắm, lạc rang, sắn, ngô hạt, rau, quả, đặc biệt là bột đậu xanh trộn với B1, B6, B12 theo tỷ lệ một con nhím 1 thìa canh bột đậu cộng 1 viên B1, B6, B12/1 lần/1 ngày. Vỗ lớn trong vòng 1 tháng sau đó lại cho ăn bình thường. Trung bình một con nhím trưởng thành dùng khoảng 1,5 đến 2 lạng ngô/ngày. Cách cho ăn, ngô ngâm 24h rồi rửa sạch để ráo nước mới cho ăn; với củ sắn tươi bóc hết vỏ ngâm 2h mới cho nhím ăn; với sắn khô ngâm 6h vớt ra để ráo nước mới được cho ăn, đối với các loại rau, củ, quả khác chỉ cần rửa sạch để ráo nước. Đối với nhím bố, mẹ chỉ cho ăn vừa phải vì nhím mẹ mà béo quá khả năng sinh sản sẽ giảm. Thức ăn của nhím khá đa dạng như quả bàng, quả sung, củ khoai lang, cà rốt, khế ngọt… tuyệt đối không cho ăn khế chua vì nhím sẽ bị đi ngoài. Nói đến đây, ông Hùng chỉ tay lên cây khế ngọt ở sân và nói “tiêu chuẩn mỗi con nhím 1 ngày 2 quả khế ngọt là vừa”. Nếu không may nhím bị đi ngoài, thì điều trị bằng cách lấy quả hồng xiêm non, thái nhỏ luộc lấy nước cho nhím uống hoặc lấy lá cây hoàn ngọc (hay còn gọi là cây con khỉ) cho nhím ăn là khỏi.
Nuôi nhím có thể nuôi theo cặp một đực một cái, hoặc nuôi theo cách hai con cái một con đực để tiết kiệm tiền mua giống. Nhím có nhiều loại như nhím crốc, chuột nhím, nhím bờm nhưng nuôi nhím bờm là phù hợp nhất vì loại này dễ thích nghi và chất lượng thịt thơm ngon hơn các loại kia. Với 8 năm nuôi nhím ông đã cung cấp nhím giống và phổ biến cách nuôi cho gần 30 hộ trong thị xã Sông Công, Phú Bình, T.P Thái Nguyên…. Hiện nay, giá mỗi cặp nhím giống là 10 triệu đồng, nhím bán thịt là 500.000 đồng/kg. Trung bình mỗi con nhím trưởng thành nặng khoảng 20-25 kg/con. Thịt nhím thơm ngon, bổ dưỡng, dạ dày nhím có thể làm thuốc chữa đau dạ dày, lông nhím là một trong các vị thuốc ngăn chặn sự phát triển của tế bào khối u. Da nhím ngâm nước rồi phơi khô thái nhỏ ngâm rượu chữa được bệnh phong hàn.
Với kinh nghiệm tích luỹ được trong gần 10 năm nuôi nhím, ông Hùng đang ấp ủ kế hoạch viết đề án về chăn nuôi nhím chuyển lên Hội Nông dân Thị xã, để phổ biến mô hình chăn nuôi này cho đông đảo người dân. Vì theo ông, nuôi nhím không mất nhiều diện tích, thức ằn cho nhím đơn giản, dễ kiếm, nên phù hợp với những hộ dân ít ruộng hoặc không có ruộng, đặc biệt là ở T.X Sông Công khi mà diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, để nhường đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp.