Giáo sư người Tày và niềm đam mê khoa học

09:42, 26/11/2009

Năm 1986, ông Nguyễn Thế Đặng (sinh năm 1953), người dân tộc Tày - khi đó đang là giảng viên của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đi nghiên cứu sinh tại Đức.

 

Sang nước bạn, sau khi làm xong những thủ tục cần thiết, hầu như thời gian trong ngày ông dành cho học tập và tham gia cùng các giáo sư của Trường bạn nghiên cứu khoa học. Chính vì sự say mê này, nên ông đã học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm của bạn về nông học - chuyên ngành ông theo đuổi. Ông tự hào: Khi làm Luận án Tiến sĩ, tôi chọn đề tài "Ảnh hưởng của các phương thức canh tác đến năng suất, chất lượng sản phẩm và độ phì nhiêu của đất". Luận án dày 160 trang, viết bằng chữ của người Đức và được Hội đồng Bảo vệ đánh giá đạt xuất sắc.

 

Sau 4 năm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ông  về nước với tấm bằng tiến sĩ và những bộ sách khoa học về chuyên ngành trồng trọt. Theo ông: Sách là một kho báu vô giá, và ông đã tìm ở đó được rất nhiều kiến thức quý báu phục vụ cho năm tháng giảng dạy ở Trường Đại học Nông Lâm… Trò chuyện với chúng tôi, ông ôn tồn, chu đáo như một người anh. Dù đã thoát ly nhiều năm, biết giao tiếp bằng tiếng Nga và sử dụng tiếng Đức thành thạo, nhưng trong giọng nói của ông tôi cảm nhận được sự "phảng phất" cái chất giọng của miền sơn dã. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, hiếu học ở xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương (Phú Lương). Dù cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng cha mẹ vẫn cho 7 anh em ông được cắp sách tới trường học chữ. Bấy giờ, con đường từ nhà đến trường phải qua các bờ ruộng, khe suối, sự học với các gia đình bản người Tày Thâm Đông cũng được ví như một sự "xa xỉ". Cũng có lúc cậu bé Nguyễn Thế Đặng muốn buông bút, cầm cày đỡ đần cha mẹ. Nhưng các cụ mắng: Phải học thì về sau mới làm được một người tốt, sống có ích hơn cho xã hội... Nghe lời bố mẹ, Đặng chuyên tâm hơn tới học tập. Học lên cấp III, Đặng phải ra thị trấn Đu ở trọ, cuối tuần về nhà lấy gạo, muối… rồi đi bộ hơn chục cây số trở lại trường. Năm 1973, Nguyễn Thế Đặng thi đỗ vào Khoa Trồng trọt (Đại học Nông Lâm). Ông tâm sự: Tôi vào học chuyên ngành trồng trọt vì thấy quê mình đồng đất nhiều, nông dân cuốc cầy quanh năm vẫn không đủ lương thực. Vì thế tôi muốn học thật tốt để sau này cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương.

 

Tốt nghiệp đại học năm 1978, với tấm bằng kỹ sư trồng trọt loại khá, ông được Nhà trường giữ lại làm giảng viên. Rồi 2 năm sau đó ông được Nhà trường bổ nhiệm làm Phó Trưởng Bộ môn Thổ nhưỡng Nông hoá (nay là bộ môn Khoa học đất). Làm công tác quản lý một bộ môn, song ông luôn gắn bó với công tác giảng dạy. Ngoài những giờ đứng lớp, ông thường xuyên cùng sinh viên gắn bó với các mô hình trồng trọt như các mô hình rau xanh an toàn, lúa, ngô giống mới. Đặc biệt là sau khi đi nghiên cứu sinh ở Đức trở về, ông được Ban Giám hiệu Nhà trường bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Đào tạo và phụ trách bộ phận hợp tác Quốc tế. Ở vị trí này, ông tham mưu giúp Nhà trường phát triển trở thành một trong những trường có thành tích hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế đứng đầu trong toàn quốc.

 

Năm 2002, ông được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư. Công việc bận rộn hơn, nhưng ông vẫn dành thời gian cho hoạt động chuyên môn, như: Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, biên soạn sách, giáo trình, hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đại học. Quá trình công tác, ông đã hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ trồng trọt; 25 thạc sĩ; hơn 100 kỹ sư trồng trọt, quản lý đất đai, khoa học môi trường; biên soạn hơn 10 đầu sách và giáo trình đại học, sau đại học; chủ trì 6 đề tài nghiên cứu cấp bộ về trồng trọt, đất đai môi trường; viết hơn 60 bài báo về kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp… Ông được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo. Ngày 17/11/2009, ông vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư.